Đừng chủ quan với bệnh uốn ván

Uốn ván là một dạng bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Người mắc bệnh uốn ván nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Do đó đừng chủ quan với các vết thương ngoài da, kể cả vết thương nhẹ.

Mới đây Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh Hoàng Thị L (63 tuổi) ở Thu Cúc – Thanh Sơn – PhúThọ bị uốn ván giai đoạn toàn phát. Theo lời kể của người nhà thì cách khoảng năm ngày trước khi vào viện, bà L có biểu hiện đau cứng hàm, kèm theo đau bụng. Sau hai ngày vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn nhưng không đỡ, bà được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Người bệnh được đưa vào Khoa Ngoại tổng hợp điều trị với chẩn đoán theo dõi tắc ruột do bã thức ăn. Tuy nhiên, kết quả cận lâm sàng lại không tương xứng với cận lâm sàng, người bệnh ngoài biểu hiện co cứng cơ bụng còn có biểu hiện co cứng cơ toàn thân, cứng hàm kèm theo vã mồ hôi, da xanh tái, sốt cao, diễn biến khó thở, suy hô hấp và có vết thương hở vùng mu bàn chân. Người bệnh được hội chẩn khoa, chuyển sang Khoa Hồi sức với chẩn đoán uốn ván giai đoạn toàn phát. Tại Khoa Hồi sức tích cực, người bệnh  được đặt ống nội khí quản cấp cứu, thở máy, dùng các thuốc trung hòa độc tố uốn ván, kiểm soát tình trạng co giật, co cứng cơ, điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật, kháng sinh phòng bội nhiễm, dinh dưỡng, trị liệu hô hấp, phòng chống loét.

27042021 uon van 1

Biểu hiện co cứng cơ toàn thân ở người bệnh uốn ván

 

Theo chia sẻ của bác sĩ Đinh Văn Trung – Khoa Hồi sức tích cực, uốn ván là bệnh lý cấp tính nặng, vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới hai dạng: dạng nha bào tồn tại ngoài môi trường và dạng hoạt động tồn tại trong cơ thể thông qua vết thương. Khi nhiễm uốn ván, cơ thể trải qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng) và chi phí điều trị rất tốn kém cũng như tỉ lệ tử vong cao. Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da.

Bên cạnh đó bác sĩ Trung cũng khuyến cáo người dân khi làm việc với những vật dụng sắc nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động nhưgiày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ,…Nếu chẳng may bị thương cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch; sát trùng bằng cồn tại vết thương và xung quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng bó vết thương, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván.

Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện