LỌC MÁU LIÊN TỤC CỨU SỐNG NGƯỜI BỆNH SỐC NHIỄM KHUẨN NẶNG

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp người bệnh H (SN 1971 – Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ) chuyển tuyến từ Huyện Đoan Hùng với biểu hiện huyết áp tụt (80/40mmHg), đau bụng nhiều vùng mạn sườn trái, đau liên tục, sốt cao rét run, kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt.

Với tiền sử tăng huyết áp – viêm ruột tự miễn, đang duy trì uống thuốc, người bệnh xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm từ lâu. Đến sáng 04/05/2022, khi thấy đau bụng tăng lên dần, mệt đuội, người bệnh được gia đình đưa đến cơ sở y tế.

Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, các bác sĩ tiếp nhận các biểu hiện nguy kịch: ý thức chậm, tím tái toàn thân, SpO2: 80%, tụt huyết áp,… Cùng lúc đó, người bệnh đã được cấp cứu bằng nhiều phương pháp chuyên sâu, đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo bằng máy thở cao cấp, dùng các thuốc vận mạch, làm các xét nghiệm và chụp chiếu cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và nhanh chóng tìm ra chẩn đoán.

Chẩn đoán

Kết quả xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy người bệnh có tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng (bạch cầu: 25.7 G/l, Pro-calcitonin: > 100ng/ml), phim chụp cắt lớp vi tình ổ bụng: hình ảnh sỏi thận phải,sỏi niệu quản trái.Qua các biện pháp thăm dò, người bệnh được xác định là một trường hợp nặng với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn đường vào tiết niệu do sỏi niệu quản 1/3 trên bên trái có gây giãn đài bể thận biến chứng suy đa tạng – viêm phổi nặng/ tăng huyết áp – viêm ruột tự miễn.

Điều trị

Ngay lập tức, người bệnh đã được hội chẩn cấp cứu giữa hai Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và Khoa Ngoại thận – Tiết niệu, thống nhất đưa ra phương án điều trị là phẫu thuật cấp cứu.Cuộc phẫu thuật được thực hiện gần 2 giờ đồng hồ ngay trong ngày. Mặc dù đã được phẫu thuật giải quyết nguyên nhân, người bệnh vẫn còn trong tình trạng nguy kịch do hậu quả của nhiễm khuẩn nặng, sốc nặng, huyết áp tụt sâu phải duy trì 3 loại thuốc vận mạch với liều cao, tình trạng suy đa tạng, đặc biệt là tình trạng suy tim, suy thận rất nặng (Pro-BNP: >35000pg/ml, Ure: 18 mmol/l, Creatinin: 141 mcmol/l), toan chuyển hóa nặng (Lactat: 7.6, PH: 7.001).

Bằng những kinh nghiệm từ nhiều năm điều trị những người bệnh rất nặng và nguy kịch, các bác sĩ Khoa Hối sức tích cực – Chống độc đã đưa ra quyết định sử dụng kĩ thuật đặc biệt điều trị tích cực, đó chính là phương pháp lọc máu liên tục.

Điều kì diệu đã đến khi sức khỏe của người bệnh được cải thiện một cách nhanh chóng. Tình trạng sốc nặng đã giảm nhiều, ngày đầu tiên đã cắt được 2 loại thuốc vận mạch, tình trạng toan chuyển hóa và suy thận đã hết, ý thức và hô hấp cũng đã cải thiện hơn, người bệnh tỉnh và được cai thở máy, rút ống nội khí quản sau 3 ngày điều trị. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và dự kiến sẽ ra viện trong thời gian tới.

c3faa601a59f64c13d8e

Tình trạng người bệnh H đã ổn đinh sau điều trị

Trường hợp người bệnh H do sự chủ quan trước các triệu chứng có thể gây ra bệnh hiểm nghèo, đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có các biểu hiện đau bụng, tiểu buốt, tiểu rắt cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thởi, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện