-
Thế nào là Đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, được chẩn đoán vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ mà trước khi có thai không có. Theo thống kê, có từ 2 – 10% mẹ bầu có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
Đái tháo đường thai kỳ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
-
Dấu hiệu của bệnh Đái tháo đường thai kỳ
Triệu chứng thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện:
– Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu…
– Khó lành các vết trầy xước, vết thương.
– Sụt cân không rõ nguyên nhân.
-
Những đối tượng dễ mắc bệnh Đái tháo đường thai kỳ
– Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
– Chỉ số cơ thể (BMI) trên 30: thừa cân, béo phì.
– Tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
– Tiền sử sinh con cân nặng trên 4 kg, tiền sử rối loạn chuyển hóa Lipid máu
-
Chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Phụ nữ mang thai ở tuần 24-28 sẽ được làm nghiệm pháp tăng đường máu tại các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa Nội tiết
-
Biến chứng của Đái tháo đường thai kỳ
5.1. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ
Các biến chứng thai kỳ thường gặp như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh …
5.2. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với thai nhi
– Thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc tử vong, chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi.
– Hội chứng hạ đường huyết, hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh,dễ béo phì hơn các trẻ khác
-
Điều trị Đái tháo đường thai kỳ
– Kiểm soát chế độ ăn: chế độ ăn hợp lý, ăn ít tinh bột và các loại thức ăn như bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo…Tăng cường các thực phẩm có nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp
– Vận động: các bài tập nhẹ nhàng, tập yoga, đi bộ, bơi, đạp xe đạp. Các mẹ bầu được khuyến khích đi bộ thường khoảng từ 20~30 phút sau bữa ăn và đảm bảo nhịp tim không quá 140 lần /phút.
Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý
– Dùng thuốc: Người bệnh sẽ được hướng dẫn tự thử đường máu mao mạch tại nhà. Khi đường máu cao không được kiểm soát, người bệnh sẽ được các bác sĩ nội tiết điều chỉnh đường máu bằng tiêm Insulin phù hợp.
Điều chỉnh đường máu bằng tiêm Insulin
-
Bị đái tháo đường thai kỳ có sinh thường được không?
– Trong quá trình mang thai, nếu thai kỳ phát triển bình thường sẽ không ảnh hưởng đến việc sinh nở.
– Khi quyết định sinh thường hay sinh mổ còn phụ thuộc vào nhiều lý do sản khoa, khó có thể dự đoán được trong thai kỳ
-
Cách phòng tránh đái tháo đường thai kỳ
Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, bà bầu có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, luyện tập cũng như có kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai. Khi được phát hiện đái tháo đường thai kỳ, cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi.
Kiểm tra thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng không mong muốn do bệnh gây ra.
BS Quỳnh – Khoa Nội tiết – Đái tháo đường