Nhỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi, bé trai 5 tuổi bị bỏng nặng

Thấy con bị nghẹt mũi, người mẹ trẻ lấy lọ nước muối sinh lý nhỏ cho con. Vừa bóp mạnh nước muối, bé trai 5 tuổi khóc thét. Hoảng hồn kiểm tra lại gia đình mới phát hiện đây là lọ thuốc tẩy nốt ruồi.

Ngày 21/7, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết vừa cấp cứu trường hợp bé trai 5 tuổi bị nhỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi.

Bé trai 5 tuổi trú tại Khu 11, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được đưa vào Trung tâm Sảnn Nhi (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) trong tình trạng khóc nhiều, hoảng sợ do  vùng mũi bỏng rát.

Mẹ cháu bé cho biết, gia đình vẫn thường xuyên vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý đựng trong lọ nhỏ.

May mắn sau 3 ngày điều trị, tổn thương niêm mạc của trẻ được cải thiện. Bác sĩ khám lại cho bệnh nhi trước ngày xuất viện.
         May mắn sau 3 ngày điều trị, tổn thương niêm mạc của trẻ được cải thiện. Bác sĩ khám lại cho bệnh nhi trước ngày xuất viện.

Lần này, khi thấy con bị sổ mũi, mẹ bé lấy lọ nước muối nhỏ vào mũi cho con thì bé khóc thét lên. Người nhà vội kiểm tra lại mới biết, dung dịch đựng bên trong không phải nước muối mà là thuốc tẩy nốt ruồi do người thân của bé mới đi xin về dùng (đựng trong vỏ lọ nước muối sinh lý).

Khi được đưa tới viện, các bác sĩ đã tiếp tục rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để hoà loãng nồng độ ba-zơ có trong lọ thuốc tẩy nốt ruồi. Ngoài ra, bệnh nhi được xử lý để phòng sẹo dính, dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng.

BS Đỗ Duy Thanh, Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Trung tâm Sản Nhi cho biết, việc nhỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi khiến toàn bộ niêm mạc mũi, vòm, họng của trẻ bị loét, rất may mắn là chưa thấy tổn thương vùng hầu họng và thanh quản.

BS Thanh cho biết, biến chứng bỏng hoá chất ở vùng mũi khá nguy hiểm do có nguy cơ gây sẹo dính trong hốc mũi. Vì thế, việc xử trí cấp cứu ban đầu rất quan trọng, phải ngay lập tức rửa trôi liên tục vùng bị tổn thương bằng nước muối sinh lý.

Thành phần trong lọ thuốc tẩy nốt ruồi có NaOH và KOH – là những ba-zơ mạnh. Bỏng ba-zơ rất nguy hiểm vì các tổn thương lan tỏa rộng. Do đó, chỉ với 2 giọt hóa chất có thể làm tổn thương toàn bộ niêm mạc mũi, vòm, họng của bệnh nhi.

BS Thanh khuyến cáo cha mẹ phải rất thận trọng khi chăm sóc trẻ. Tuyệt đối không đựng các loại hoá chất, thuốc trong các vỏ chai lọ đựng thực phẩm, gây nhầm lẫn bỏng như em bé này.

Hay nghiêm trọng hơn là trường hợp mới xảy ra đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái 11 tuổi mua nước ở cổng trường uống sau bữa ăn sáng, người bán nước đã đưa nhầm chai đựng axit khiến bé bị tổn thương thực quản, dạ dày nghiêm trọng điều trị đến nay gần 1 tháng vẫn nặng nề, nguy cơ bị teo dạ dày, thực quản, không thể ăn uống bằng đường miệng.

Hãy luôn cất hoá chất ở những chai lọ riêng, để khu vực riêng biệt, xa tầm với của trẻ. Tuyệt đối không để hoá chất lẫn trong tủ thuốc, khu vực bàn nước của gia đình để phòng nnguy cơ ngộ độc

Nếu không may nhỏ nhầm hóa chất vào mũi trẻ, bố mẹ cần bình tĩnh, có thể sơ cứu ban đầu bằng cách rửa mũi trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước nguyên chất vô khuẩn để làm loãng, rửa trôi lượng hóa chất tồn dư. Sau đó cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để có những bước xử trí phù hợp.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện