Hiến tạng cứu người và những điều cần biết khi đăng ký hiến tạng

Ngày 19/5/2024 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” năm 2024 do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức.

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp giúp tiếp nối hy vọng, ươm mầm sự sống cho nhiều người bệnh đang mòn mỏi chờ được ghép tạng. Vậy làm thế nào để đăng ký hiến tạng? Quy trình hiến tạng như thế nào? Người hiến tạng có những quyền lợi gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

những điều cần biết khi hiến tạng

Hình ảnh tại buổi lễ phát động Quốc gia về hiến mô, tạng cơ thể người

Đối tượng đăng ký hiến tạng

Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

Những người cao tuổi cũng có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

những điều cần biết khi hiến tạng

Pháp luật không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tặng, tuy nhiên, khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì thực tế có một số trường hợp người chết, chết não dù đã đăng ký hiến tặng mô, tạng nhưng gia đình không đồng ý, không báo tin cho cơ sở y tế, hoặc phản đối, gây khó khăn cho việc lấy tạng ghép, khiến người hiến không thực hiện được ý nguyện hiến tặng của mình.

Quyền lợi của người hiến tạng

Nhằm khuyến khích và ghi nhận đóng góp to lớn của người hiến tạng, Nhà nước đã quy định một số quyền lợi nhất định cho đối tượng này, cụ thể như sau:

Đối với người hiến tạng còn sống:

  • Sau khi hiến tạng, người hiến sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.
  • Người hiến sẽ được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.
  • Người hiến sẽ được tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác:

  • Sau khi chết, cơ thể người hiến tạng sẽ được chăm sóc tùy thuộc vào di nguyện của người hiến tạng hay nguyện vọng của gia đình.
  • Được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.
  • Người hiến tạng mất cũng sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Quy trình tiếp nhận tạng hiến

Khi người hiến tạng bệnh nặng, bị tai nạn được các bác sĩ tiên liệu thông báo rất nặng hoặc tiên lượng không qua khỏi, người nhà cần báo ngay cho đơn vị điều phối qua số điện thoại: 0915060550 (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức) hoặc 0913 677 016 (Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy).

Khi nhận được thông tin từ gia đình, đơn vị điều phối sẽ có sự phối hợp đánh giá, tổ chức hỗ trợ điều trị bệnh nhân nếu người bệnh đang ở xa trung tâm và tình trạng bệnh còn có khả năng điều trị.

Trong trường hợp tình trạng bệnh không có khả năng điều trị thì cũng có đủ thời gian đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của người bệnh có chống chỉ định hiến tạng hay không. Tạng của người hiến có chọn được người phù hợp ghép hay không.

Nếu đáp ứng những điều kiện trên thì thời gian chuẩn bị nhận tạng kéo dài trong 12-48 giờ. Thông thường, những người hiến tạng khi chết não sẽ hiến được nhiều cơ quan hơn người hiến tạng khi ngưng tim, có thể cứu được 8-10 người bệnh.

những điều cần biết khi hiến tạng

Một người chết não hiến tạng sẽ cứu sống được 8-10 người khác

Làm thế nào để đăng ký hiến tạng?

những điều cần biết khi hiến tạng

Theo Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện có 2 cách để đăng ký hiến tạng: Đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký trực tuyến. Cụ thể như sau:

Đăng ký trực tiếp

Người bệnh muốn đăng ký hiến tạng trực tiếp có thể đến một trong hai địa điểm sau:

  • Khu vực miền Bắc: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia có địa chỉ tại Phòng 230 – Nhà C2 – Bệnh viện Việt Đức (người đến đăng ký đi qua cổng cấp cứu, phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia làm việc theo giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ lễ theo quy định chung.
  • Khu vực miền Nam: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi đến đăng ký, người đăng ký mang theo 1 ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), 1 bản photo chứng minh thư nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu – không cần công chứng).

Ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận hồ sơ và cấp thẻ thì còn một số nơi tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký như sau: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng),… và một số Hội chữ thập đỏ các tỉnh, cơ sở tôn giáo…

Đăng ký trực tuyến

Người đăng ký truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (vnhot.vn) để thực hiện đăng ký.

Cách đăng ký cụ thể như sau:

  • Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (vnhot.vn).
  • Bước 2: Chọn “ĐĂNG KÝ HIẾN TẶNG” ở phía bên phải màn hình.
  • Bước 3: Chọn hình thức đăng ký hiến, bộ phận đăng ký hiến; Điền đầy đủ các thông tin cá nhân; Tải ảnh đại diện; Nhập mã xác nhận sau đó ấn “Đăng ký”.

những điều cần biết khi hiến tạng

Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia

Khi đăng ký thành công, hệ thống sẽ tự động gửi đơn đăng ký đã đầy đủ thông tin về địa chỉ Email của người đăng ký. Người đăng ký cần in đơn đăng ký, ký tên vào đơn, chuẩn bị thêm CCCD hoặc CMND phô tô và ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), sau đó gửi hồ sơ về địa chỉ: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Người đăng ký có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nhờ người mang trực tiếp đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não chỉ cần chữ ký của chính người đăng ký. Việc đăng ký là tự nguyện nên người đăng ký không cần xét nghiệm hay khám sức khỏe vào thời điểm đăng ký.

Sau khi nhận được hồ sơ của người đăng ký, Trung tâm sẽ làm thẻ và gửi về địa chỉ đã đăng ký trong đơn. Thời gian nhận thẻ dao động từ 3-4 tuần, nếu quá thời gian trên người đăng ký không nhận được thẻ thì liên hệ với Trung tâm theo số điện thoại 0915060550 để kiểm tra. Việc đăng ký và cấp thẻ là hoàn toàn miễn phí.

Người dân tại Phú Tho và các tỉnh lân cận có nhu cầu hiến hoặc ghép mô, tạng có thể liên hệ hotline Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được tiếp nhận thông tin, hỗ trợ làm hồ sơ về Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia: 1800 888 989.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật