Gạn tách tiểu cầu – Những điều cần biết về kỹ thuật

Gạn tách tiểu cầu là gì?

Khác với hiến máu toàn phần, gạn tách tiểu cầu là phương pháp chiết tách tiểu cầu của người hiến và một phần huyết tương của một người hiến, còn các tế bào máu khác được truyền trả lại người hiến.

Truyền máu là một liệu pháp điều trị rất có hiệu quả trong nhiều bệnh lý và đã góp phần hỗ trợ quan trọng trong điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trước đây, việc truyền máu toàn phần rất phổ biến do chưa có máy ly tâm lạnh để điều chế các thành phần máu.

Dần dần xuất hiện máy ly tâm lạnh rồi đến các hệ thống máy tách tế bào tự động nên hiện nay việc truyền máu toàn phần là rất hãn hữu, thay vào đó là truyền từng thành phần theo nhu cầu điều trị của người bệnh hoặc áp dụng để gạn tách các tế bào máu phục vụ cho ghép tế bào gốc. Điều này mang đến rất nhiều lợi ích trong việc điều trị.

Gạn tách tiểu cầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã được trang bị máy gạn tách tế bào tự động NGL XCF 3000. Đây là hệ thống tách tế bào máu tự động hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị của bệnh nhân bị giảm tiểu cầu. Kỹ thuật này không những có lợi cho bệnh nhân mà còn có lợi cho người hiến máu bởi chỉ lấy duy nhất tiểu cầu và một lượng ít huyết tương để pha loãng còn hồng cầu, bạch cầu và phần lớn huyết tương được lấy ra sẽ trả lại cho người hiến nên hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe người hiến máu.

Gạn tách tiểu cầu

1

Máy tách tế bào tự động NGL XCF 3000

Với mỗi lần hiến, số lượng tiểu cầu được lấy là 3×1011 (tương đương 300 tỉ tiểu cầu) và khoảng 200 ml huyết tương. Số lượng tiểu cầu được hiến mất khoảng 20% số lượng tiểu cầu so với ban đầu. Đồng nghĩa với việc theo tiêu chuẩn hiến tiểu cầu bằng máy, người hiến phải có hơn 200.000 tiểu cầu/mm3.

Khi đó, số lượng tiểu cầu còn lại của người hiến là 160.000 – 170.000 tiểu cầu/mm3, số lượng này vẫn ở giới hạn của người bình thường và không ảnh hưởng gì đến cơ thể. Tuy nhiên, người hiến tiểu cầu phải được khám và có những tiêu chuẩn lựa chọn riêng. Những người được chọn lựa gạn tách tiểu cầu hoàn toàn yên tâm về sức khỏe sau khi hiến.

Gạn tách tiểu cầu

222

Đơn vị tiểu cầu máy đầu tiên được tiếp nhận ở TT Huyết học truyền máu

Khác với hồng cầu có đời sống 120 ngày, tiểu cầu có đời sống 8 – 12 ngày. Mỗi ngày, có khoảng 75.000 tiểu cầu được hình thành và chúng sẽ được đổi mới hoàn toàn trong 4 ngày. Việc hiến tiểu cầu không ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu hiện tại và sau này của bạn do cơ thể vẫn sản sinh tiểu cầu đều đặn hàng ngày.

Do được lấy từ 1 người cho duy nhất và quy trình sản xuất khép kín, thời gian ngắn nên hạn chế được những bất đồng miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, thời gian bảo quản lâu hơn. Số lượng bạch cầu gần như được loại bỏ hoàn toàn nên giảm nguy cơ dị ứng. Số lượng và chất lượng tiểu cầu trong mỗi đơn vị tiểu cầu máy để truyền cho người bệnh là rất tốt (khoảng 300G/1 Đơn vị 250ml).

Với những thế mạnh nổi trội và kỹ thuật tiên tiến, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đến nay đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao của Trung tâm Huyết học truyền máu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành hơn 50 ca gạn tách tiểu cầu, đem lại nguồn sống cho rất nhiều người bệnh.

BS.Vũ Mai – Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện