Cách Hiến Máu An Toàn Và Hiệu Quả

Hiến máu không chỉ cứu người mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cho người hiến máu. Hiến máu giúp chức năng cơ thể của bạn hoạt động hiệu quả hơn bằng cách bổ sung thêm nguồn cấp máu thường xuyên, giúp cơ thể làm mới hệ thống cũng như làm việc hiệu quả hơn. Vậy cần lưu ý những gì để hiến máu được an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ giải đáp thắc mắc tại bài viết này.

2a36230a785ba205fb4a

  1. Những điều cần biết để hiến máu an toàn.

1.1. Điều kiện được hiến máu:

  • Điều kiện quan trọng nhất là người hiến máu thực sự khỏe mạnh, trước đây không mắc bệnh nguy hiểm nào.
  • Tuổi từ 18 đến 60 với Nam, 18 đến 55 đối với Nữ. – Cân nặng từ 45kg trở lên.
  • Mạch: 60 lần đến 90 lần/1 phút. – Huyết áp: Tối đa 100 -140 mHg.Tối thiểu 60-90 mHg

1.2. Khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến máu và các thành phần máu:

  • Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến máu toàn phần hoặc khối hồng cầu bằng gạn tách là 12 tuần.
  • Khoảng thời gian tối thiểu giữa hai lần liên tiếp hiến huyết tương hoặc hiến tiểu cầu bằng gạn tách là 02 tuần.
  • Hiến bạch cầu hạt trung tính hoặc hiến tế bào gốc bằng gạn tách máu ngoại vi tối đa không quá ba lần trong 07 ngày.
  • Trường hợp xen kẽ hiến máu toàn phần và hiến các thành phần máu khác nhau ở cùng một người hiến máu thì khoảng thời gian tối thiểu giữa các lần hiến được xem xét theo loại thành phần máu đã hiến trong lần gần nhất.

1.3. Lưu ý trước khi hiến máu:

  • Đêm trước hiến máu không nên thức quá khuya (ngủ ít nhất 6 tiếng).
  • KHÔNG uống rượu, bia.
  • Nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, KHÔNG ăn các đồ ăn có nhiều đạm, nhiều mỡ.
  • Uống nhiều nước.

1.4. Lưu ý sau khi hiến máu:

  • Duỗi thẳng, hơi nâng cao cánh tay trong 15 phút.
  • Hạn chế gập tay trong quá trình nghỉ sau hiến máu.
  • Nghỉ tại điểm hiến máu tối thiểu 15 phút.
  • Uống nhiều nước.
  • Chỉ ra về khi cảm thấy thực sự thoải mái.
  • Nếu xuất hiện chảy máu từ vết băng cầm máu:

– Nâng cánh tay lên và ấn nhẹ vào vết bông.

– Ngồi xuống ghế và thông báo cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Sau khi hiến máu ngoài những biểu hiện kể trên nếu bạn có những biểu hiện bất thường về sức khỏe: mệt, chóng mặt hoặc vã mồ hôi hãy báo ngay cho nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên để được thăm khám.

1.5. Những người nào không nên hiến máu:

a) Là những người có nguy cơ cao như:

  • Người có xét nghiệm HIV dương tính hoặc người bị AIDS.
  • Người có nhiều bạn tình.
  • Người có quan hệ tình dục không an toàn.
  • Đồng tính luyến ái nam.
  • Người tiêm chích ma túy.
  • Gái mại dâm.   

b) Là người đã mắc các bệnh:

  • Viêm gan B hoặc C.
  • Giang mai hoặc bất kỳ bệnh lây qua đường tình dục.
  • Bệnh lao.
  • Các bệnh nội tiết như bướu cổ, đái tháo đường…
  • Các bệnh về máu hoặc bệnh cơ quan tạo máu.
  • Các bệnh làm rối loạn hấp thu như cắt đoạn ruột, cắt đoạn dạ dày.
  • Tất cả các bệnh ác tính.

1.6. Những người nào tạm hoãn hiến máu:

Những người tạm hoãn hiến máu là:

  • Phụ nữ đang có kinh nguyệt, đang có thai, đang cho con bú, hoặc mới điều hòa kinh nguyệt.
  • Đang bị cảm cúm hoặc đang uống thuốc trị bệnh.
  • Mới chích ngừa chưa được 3 tháng.
  • Mới bị vết thương, vết cắt, nhổ răng dưới 1 tháng.
  • Đang bị bệnh ngoài da.

Những trường hợp nghi ngờ khác bác sĩ có thể quyết định tạm hoãn hiến máu để bảo đảm an toàn cho bạn và cho người nhận máu của bạn sau này.

  1. Làm thế nào để hiến máu hiệu quả?

78bc1b3758668238db77

2.1. Những lưu ý cần tránh sau khi hiến máu:

– Uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu.

– Làm việc gắng sức (leo núi, tập tạ …) trong hai ngày đầu.

– Các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.

2.2. Những điều nên làm sau khi hiến máu:

– Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.

– Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa …

– Dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.

Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Nó không những hỗ trợ cứu sống người bệnh mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.

Để biết thêm chi tiết về quy trình hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, xin vui lòng liên hệ Trung tâm Huyết học truyền máu – Đơn vị truyền máu tại Tầng 1 nhà C – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ theo Số điện thoại của đơn vị 0867.575.689 Hoặc Tổng đài Chăm sóc khách hàng (24/7): 1800.888.989

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện