Sử dụng rượu bia dịp Tết là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Một chút rượu bia chúc Tết sẽ khiến tinh thần phấn chấn, đầu óc tỉnh táo hơn. Chúng cũng có tác dụng làm tăng nhịp tim và sức co bóp cơ tim, làm lưu thông máu nhịp nhàng hơn. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều và không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, mang lại hậu quả xấu về kinh tế và xã hội.
Khi 90% rượu, bia tập trung tại gan để chờ chuyển hóa, gan sẽ sử dụng một loại men xúc tác có tên là Nicotintamid Adenin Dinucleotid (NAD) để thực hiện quá trình chuyển hóa, giải độc. Các nhà khoa học cho biết, để gan có thể sản xuất kịp men NAD giúp chuyển hóa và giải độc bia rượu thì đối với một người trưởng thành khỏe mạnh, sức khỏe bình thường chỉ uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Đơn vị cồn là gì?
1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Tức là 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Uống rượu bia dịp Tết thế nào là đúng cách?
– Không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
– Khi uống rượu, bia bạn đừng so sánh tửu lượng của mình với bất cứ ai. Hãy luôn tôn trọng những tín hiệu của cơ thể. Nếu cảm thấy đủ, nên ngừng uống ngay.
– Nên ăn một ít thức ăn trước khi cạn ly, giúp rượu không bị hấp thụ nhanh. Nên ăn thực phẩm rán, chiên khi uống rượu vì protein và chất béo cần nhiều thời gian để tiêu hóa hơn sẽ giúp kéo dài thời gian hấp thụ, hạn chế phần nào tác dụng của rượu. Bạn cũng có thể ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt, vì chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa, giảm khả hấp thu rượu vào máu, bảo vệ niêm mạc dạ dày trước tác động kích thích rượu.
– Không uống rượu với nước ngọt có gas: Khi rượu và khí gas gặp nhau trong cơ thể sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp toàn thân, làm say hơn. Sau khi uống rượu cũng nên tránh các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà), vì chúng có thể làm tăng hiệu ứng say xỉn.
– Không uống nhiều loại rượu, bia cùng lúc: Rượu mạnh, rượu vang, rượu thuốc, bia… mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn.
– Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say, vì một lượng rượu lớn bất ngờ vào cơ thể trong thời gian ngắn gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới nhanh say hơn. Nên uống nhiều nước lọc vì nước sẽ giúp phá vỡ cấu trúc rượu, làm giảm độ say.
– Làm ấm rượu trước khi uống (như ngâm vào nước nóng): Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.
Tổng đài Chăm sóc khách hàng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hotline: 1800.888.989
Tải về ỨNG DỤNG HỒ SỨC SỨC KHỎE ĐIỆN TỦ để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn
và trao đổi trực tuyến với bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mọi lúc mọi nơi.