Cứu sống 1 người bệnh nguy kịch sốc tim do nhồi máu cơ tim

Sốc tim là trạng thái giảm tưới máu hệ thống nặng do rối loạn chức năng tim, thường gây suy đa cơ quan. Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây sốc tim. Sốc tim nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Người bệnh nam (82 tuổi), tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, duy trì 1 viên amlordipine 5mg/ngày. Theo chia sẻ của người nhà, người bệnh xuất hiện đau ngực, khó thở được đưa vào Khoa Cấp cứu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng tỉnh chậm, khó thở nhiều, đau ngực, tụt áp, huyết áp 80/40 mmHg, tim nhịp chậm 45ck/phút, nhiệt độ 36,9 độ C, nhịp thở 22 lần/phút, điện tâm đồ có hình ảnh block nhĩ thất cấp 3, ST chênh DII, II và aVF, chênh xuống DI, aVL, V1, V2, xét nghiệm Troponin Ths > 10 ng/ml. Người bệnh được chẩn đoán sốc tim do nhồi máu cơ tim có ST chênh, đặt ống nội khí quản đảm bảo hô hấp, ổn định huyết động và được hội chẩn chụp mạch vành cấp cứu.

Người bệnh sốc tim được điều trị tại Khoa HSTC
Người bệnh sốc tim được điều trị tại Khoa HSTC

Kết quả chụp mạch vành có tắc hoàn toàn RCA, hẹp 80% LAD và hẹp 80% LCX, người bệnh được tái thông đặt stent mạch vành RCA đồng thời có tổn thương suy nút xoang gây nhịp chậm và được đặt máy tạo nhịp tạm thời và chuyển khoa hồi sức tích cực điều trị.

Người bệnh được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, sốc nặng, huyết áp 110/60mmHg phụ thuộc trợ tim Dobutamin 15mcg/kg/phút, vận mạch Adrenaline 0.6mcg/kg/phút, Noradrenaline 0.8mcg/kg/phút, nhịp tim máy tạo nhịp 70 lần/phút. Kết quả siêu âm tim cho thấy người bệnh được điều chỉnh về mặt huyết động đại tuần hoàn tuy nhiên các dấu hiệu giảm tưới máu mô bắt đầu xuất hiện mặc dù các chỉ số huyết áp, nhịp tim đảm bảo.

Sau 5 giờ điều trị, người bệnh an thần, thở máy qua ống nội khí quản, huyết áp phụ thuộc vận mạch xu hướng tăng liều Dobutamin 20mcg/kg/phút, Noradrenaline 1.1mcg/kg/phút, Adrenaline 0.9mcg/kg/phút, tưới máu mô giảm, nổi vân tím, xét nghiệm lactate 5.2, toan chuyển hóa pH 7.19, vô niệu không đáp ứng lợi tiểu, chỉ số ure 25.9 mmol/L, creatinin 223 umol/L, suy gan nặng GOT 162.6 U/l, GPT 90.6 U/l, tiểu cầu thấp 57 G/L. Người bệnh được chỉ định lọc máu liên tục CVVHDF và tiếp tục hồi sức tích cực, dùng statin và chống đông.

Sau 12h điều trị tích cực bằng thở máy, truyền dịch, điều chỉnh huyết động kết hợp lọc máu liên tục tình trạng người bệnh có nhiều chuyển biến, bắt đầu có nước tiểu 50ml/h, xét nghiệm khí máu lactate giảm 3.2, toan chuyển hóa giảm 7.23, tuy nhiên người bệnh hôn mê, thở máy, sốc nặng vận mạch Noradrenaline 0.5 mcg/kg/phút, Adrenaline 0,3 mcg/kg/phút, trợ tim Dobutamin 15mcg/kg/phút.

Sau 3 ngày điều trị, người bệnh ý thức tỉnh chậm, thở máy qua ống nội khí quản, người bệnh đã dừng được thuốc vận mạch, giảm liều thuốc trợ tim xuống 8 mcg/kg/phút, nước tiểu 1000ml/24h, tuy nhiên tình trạng suy đa tạng vẫn còn nặng nề, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu tiểu cầu giảm thấp 41 G/L.

Sau 6 ngày điều trị liên tục, người bệnh ý thức tỉnh táo, đã cắt vận mạch, tình trạng suy đa tạng cải thiện, cai thở máy đáp ứng. Người bệnh được rút ống nội khí quản, cai thở máy. Sau 14 ngày điều trị, người bệnh được ra viện trong tình trạng tỉnh táo, tự thở tốt, không để lại di chứng.

1. Sốc tim là gì?

Theo bác sỹ Đinh Văn Trung Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, sốc tim là trạng thái giảm tưới máu hệ thống nặng do rối loạn chức năng tim, thường gây suy đa cơ quan.

Sốc tim ở người cao tuổi
Sốc tim ở người cao tuổi

2. Các triệu chứng của sốc tim:

  • Thở nhanh, hơi thở ngắn
  • Nhịp tim nhanh, đột ngột, tim đập yếu
  • Mất ý thức
  • Hạ huyết áp
  • Đổ mồ hôi
  • Da nhợt nhạt, tay chân lạnh ngắt
  • Nước tiểu ít hoặc vô hiệu
Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân gây sốc tim
Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân gây sốc tim

3. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng sốc tim?

Sốc tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu cho phần còn lại của cơ thể. Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây sốc tim, đặc biệt là nhồi máu trước rộng vì có một vùng cơ tim lớn bị hoại tử.

Trong nhiều trường hợp, việc thiếu cung cấp oxy đến tim, thường sau cơn đau tim, làm giảm khả năng bơm máu của tâm thất trái. Cơ tim sẽ yếu đi dẫn đến giảm khả năng co bóp gây sốc tim.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra sốc tim như:

– Viêm cơ tim

– Viêm màng ngoài tim

– Tim hoạt động yếu đi do bất kỳ nguyên nhân nào

– Ngộ độc hoặc sử dụng thuốc quá liều gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim

Trong những năm gần đây, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ suy đa tạng giúp cải thiện tình trạng lâm sàng, mang lại hi vọng cứu sống nhiều người bệnh nguy kịch.

Để biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tel: 1800.888.989

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật