Nhiều người cho rằng thuốc nam lành tính nên thường chỉ nghe theo những lời mách bảo hoặc truyền miệng đã vội sử dụng để chữa bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc lạm dụng thuốc nam một cách tràn lan, tùy tiện, không có sự hướng dẫn từ người có chuyên môn, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Gần đây, khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp nhập viện sau khi uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, các loại lá cây theo truyền miệng với những triệu chứng nặng nề.
Men gan cao gấp 284 lần so với bình thường vì uống thuốc nam
Người bệnh H.T.V sinh năm 2002, ở Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ nhập viện trong tình trạng da niêm mạc vàng, củng mạc mắt vàng, mệt mỏi, ăn kém, chán ăn, nước tiểu vàng, tức bụng, bụng mềm.
Người bệnh cho biết, khoảng 1 tháng trước khi nhập viện có bị đau bụng và nghĩ rằng đó là do đau dạ dày. Nghe theo những lời truyền miệng, gia đình đã mua thuốc nam về cho người bệnh uống. Tuy nhiên, sau 1 tháng uống thuốc nam, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn và ăn kém nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Hình ảnh kết quả xét nghiệm của người bệnh V (men gan cao gấp 284 lần so với bình thường; đông máu giảm nhiều)
Tại đây, kết quả xét nghiệm của người bệnh cho thấy men gan cao gấp 284 lần so với bình thường; đông máu giảm nhiều. Người bệnh được chẩn đoán: Suy gan cấp do ngộ độc thuốc nam. Người bệnh được xử trí: truyền dịch, truyền huyết tương, bổ gan, vitamin.
BSNT Trần Văn Sơn – Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh V
Sau 12 ngày điều trị, người bệnh ổn định, chức năng gan và các chỉ số xét nghiệm gần về mức bình thường. Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và khám lại theo lịch hẹn.
Viêm dạ dày, suy thận cấp sau khi liên tục uống nước lá tía tô
Người bệnh Mông Thị Đ. 62 tuổi ở Chiêu Yên, Yên Sơn, Tuyên Quang nhập viện tại khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, ăn kém… và được chẩn đoán: Viêm dạ dày – suy thận cấp.
Người bệnh Đ cho biết: Nghe nói nước lá tía tô rất tốt cho sức khỏe nên người bệnh đã nấu nước uống hàng ngày. Sau một thời gian, người bệnh xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, khó chịu nên đã quyết định đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám.
Hình ảnh kết quả xét nghiệm máu của người bệnh Đ (Xét nghiệm suy thận lúc nhập viện và chức năng thận cao gấp hơn 2 lần)
Người bệnh được xử trí: Truyền dịch, giảm tiết, vitamin. Sau 12 ngày điều trị, người bệnh ổn định, các chỉ số xét nghiệm về mức bình thường và được ra viện.
BSNT Trần Văn Sơn – Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa cho biết: Thuốc nam thường có nguồn gốc từ các loại cây, lá thuốc tự nhiên. Tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc nam, lá thuốc đã được khẳng định trong y văn. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, dùng lá thuốc không đúng cách, sai liều lượng… có thể dẫn đến ngộ độc, nặng hơn có thể gây suy đa tạng. Vì vậy, việc sử dụng thuốc nam, lá thuốc cần được tư vấn và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng như ngộ độc cấp, suy gan, suy thận…
Trên thực tế, Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nhập viện sau khi dùng thuốc nam hoặc chữa bệnh theo “lời đồn”, theo hướng dẫn không có căn cứ khoa học trên các trang mạng xã hội,… thậm chí có nhiều trường hợp đã chuyển sang suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu chu kỳ.
Qua đây, bác sĩ Sơn khuyến cáo: Người dân nên thận trọng khi sử dụng thuốc nam, tránh sử dụng tùy tiện và nghe theo lời truyền miệng thiếu căn cứ khoa học. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để xác định các bệnh lý tiềm ẩn cũng như các bệnh lý di truyền, để được theo dõi quản lý bệnh, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.
Tác giả: BSNT Trần Văn Sơn
Cộng sự: Trương Tĩnh