Thực hiện Công điện 690/CĐ-BYT ngày 19/5/2022, Văn bản 2597/BYT-DP ngày 19/5/2022 và Văn bản 2668/BYT-DP ngày 24/5/2022 của Bộ Y tế; Văn bản 551/DP-DT ngày 25/5/2022 của Cục Y tế Dự phòng; Văn bản 1835/UBND-KGVX ngày 24/5/2022 và Văn bản 1864/UBND-KGVX ngày 25/5/2022 của UBND tỉnh về các nội dung gồm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh tay chân miệng và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế đề nghị:
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
1.1. Tăng cường các hoạt động truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh tay chân miệng, bệnh đậu mùa khỉ; Các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch – Ở sạch – Bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; Tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng.
Chủ động phối hợp cùng các bộ phận liên quan thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ xây dựng các thông điệp, tin bài, phóng sự, khuyến cáo…về phòng chống dịch bệnh năm 2022 để thường xuyên đăng tải và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên hệ thống Đài truyền thanh cấp xã.
1.2. Chủ động giám sát, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh nói chung, bệnh tay chân miệng và bệnh đậu mùa khỉ: (i) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, hoặc tham mưu Sở Y tế chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, kịp thời; (ii) Đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các đơn vị triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện kịp thời, đáp ứng nhanh, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.
1.3. Chủ trì, hướng dẫn, phối hợp các đơn vị liên quan: (i) Đánh giá, nhận định, dự báo nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời rà soát lại danh mục và cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị…phòng chống dịch; (ii) Tổng hợp đề xuất bổ sung danh mục, cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị…đảm bảo sẵn sàng chủ động đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, báo cáo về Sở Y tế để xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
1.4. Chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các TTYT tuyến huyện triển khai tiêm chủng thường xuyên và tiêm phòng COVID-19 đảm bảo tiến độ và an toàn.
1.5. Kiện toàn, nâng cao năng lực các đội chống dịch cơ động, đảm bảo đầy đủ về nhân lực, hậu cần và các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch khi có yêu cầu
2. Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành
2.1. Phối hợp với Phòng Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các địa phương chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn, khu vực di biến động về dân cư, vùng có ổ dịch cũ, nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.
2.2. Chủ động triển khai các hoạt động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tăng cường giám sát bệnh tay chân miệng, ca bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ[1] tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét ngay từ các tháng đầu năm 2022, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
2.3. Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.
2.4. Chủ động phối hợp với Phòng Y tế và Phòng GD-ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh khác trong trường học, nhà trẻ, trường mầm non…theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
2.5. Chỉ đạo các Trạm Y tế chủ động tham mưu cho UBND xã/phường/thị trấn huy động sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể ở cơ sở và toàn cộng đồng để triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch rửa tay bằng xà phòng trên địa bàn
3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh
3.1. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân phù hợp. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
3.2. Tổ chức tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ để điều trị, quản lý kịp thời theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Nếu phát hiện các trường hợp mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải thông báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để báo cáo Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương và thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.
3.3. Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng tham gia điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
4. Trân trọng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Phú Thọ tăng cường phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về vệ sinh yêu nước; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch – Ở sạch – Bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước để phòng chống bệnh SXHD; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh tay chân miệng, bệnh đậu mùa khỉ[2] và các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của cơ quan Y tế; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng.
5. Trân trọng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn:
5.1. Tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ xà phòng, nước hợp vệ sinh, porter hướng dẫn quy trình rửa tay cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Hướng dẫn cha mẹ học sinh chủ động, tích cực đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin phòng COVID-19 khi đến lịch tiêm chủng.
5.2. Thực hiện vệ sinh lớp học, mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
6. Trân trọng đề nghị UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phối hợp với ngành y tế chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh yêu nước; thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch – Ở sạch – Bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức phát động các chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy… Tăng cường chỉ đạo công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch, tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Vận động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đang sinh sống tại các khu dân cư: nêu gương chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch, hướng dẫn các biện pháp tới tận các hộ gia đình để người dân đồng lòng chung tay tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn
[1] Theo Văn bản số 2668/BYT-DP ngày 24/5/2022 của Bộ Y tế về tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
[2] Theo Văn bản số 551/DP-DT ngày 25/5/2022 của Cục Y tế Dự phòng về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.