Trong 02 ngày 18 và 19/6/2024, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ” theo Thông tư 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế cho cán bộ y tế trong Bệnh viện.
Tham dự lớp tập huấn có TS.BS Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, TS. BS Trần Quang Lục – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng sự tham gia của các bác sĩ, kĩ thuật viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giờ, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ gây ra giãn mạch toàn bộ hệ thống và co thắt phế quản gây tử vong trong vòng một vài phút.
Trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh, tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra với các bệnh nhân được chỉ định sử dụng “Thuốc cản quang” khi chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CLVT), chụp cộng hưởng từ…
Khi thuốc cản quang được đưa vào cơ thể (qua đường tiêm) thì các chất cản quang làm cho các cấu trúc hoặc mô trong cơ thể xuất hiện hình ảnh rõ nét và phân biệt được với nhau so với khi không sử dụng vật liệu tương phản. Từ đó, bác sĩ sẽ nhận biết được tình trạng bình thường và bất thường trong cơ thể.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh bị dị ứng với loại thuốc này nên khi thuốc cản quang được tiêm vào cơ thể có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ.
Một số nội dung chính được Tiến sĩ Bác sĩ Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực trình bày tại lớp tập huấn:
– Dự phòng phản vệ
– Chẩn đoán và phân loại mức độ phản vệ (từ độ I – IV)
– Hướng dẫn cấp cứu, xử trí phản vệ theo từng mức độ…
Thông qua lớp tập huấn, các học viên đã được cập nhật những thông tin mới nhất, nâng cao kiến thức giúp nhận biết sớm các dấu hiệu phản vệ, chẩn đoán nhanh chóng, xử trí ban đầu đúng cách theo từng mức độ, đúng phác đồ theo quy định.
Một số hình ảnh lớp tập huấn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ: