TIÊM HISTOACRYL QUA NỘI SOI ĐIỀU TRỊ CHẢY MÁU DẠ DÀY

Xuất huyết tiêu hóa cao là 1 cấp cứu thường gặp. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng tỷ lệ tử vong còn cao (khoảng 10%). Một trong những nguyên nhân hay gặp gây xuất huyết tiêu hóa cao là do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản ,dạ dày là biến chứng của tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Hình ảnh xuất huyết tiêu hóa ở dạ dày

Hình ảnh xuất huyết tiêu hóa ở dạ dày

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là hậu quả chính gặp chủ yếu ở bệnh nhân xơ gan gây nên giãn tĩnh mạch thực quản đơn độc, giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày (GOV1, GOV2), giãn tĩnh mạch dạ dày đơn độc( IGV1, IGV2), hay giãn tĩnh mạch ruột non. Vị trí búi giãn thường gặp nhất là ở thực quản, giãn tĩnh mạch dạ dày ít gặp hơn khoảng 20-30% bệnh nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Mặc dù ít gặp hơn nhưng khi xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày thì nặng hơn, đòi hỏi truyền máu nhiều hơn, tỷ lệ xuất huyết tái phát và tỷ lệ tử vong cao hơn. Điều trị xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày rất khó khăn bao gồm các phương pháp như: hồi sức nội khoa, tiêm xơ, bóng chèn, TIPS, BRTO.

Trước những năm 1990 các công cụ giúp cho chẩn đoán và điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa gặp nhiều khó khăn. Đến năm 1990 các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tiêu hóa gan mật đã chọn thành phố Baveno (Ý) để đưa ra các đồng thuận về chẩn đoán và điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Cho đến nay Baveno đã trải qua 7 thời kỳ, Baveno I (1990), Baveno II (1995), Baveno III(2000), Baveno IV(2005), Baveno V (2010), Baveno VI( 2015), Baveno VII(2021).

Baveno VII đưa ra các khuyến cáo về điều trị nội soi:

1, Thắt tĩnh mạch thực quản  được khuyến cáo đều điều trị chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản

2, Nội soi điều trị sử dụng keo sinh học (histoacryl) được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày đơn độc (IGV1, IGV2), và giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày GOV2.

3, Thắt tĩnh mạch thực quản và sử dụng keo sinh học có thể áp dụng cho chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản dạ dày (GOV1)

4, Không nên sử dụng bột cầm máu hemospray đề điều trị lần đầu cho chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản

5, Liệu pháp nội soi (điện đông, đốt điện cao tần thắt vòng cao su) có thể được sử dụng để điều trị chảy máu tiêu hóa cục bộ do tăng áp tĩnh mạch dạ dày

Như vậy nội soi tiêm histoacryl được khuyến cáo là lựa chọn hàng đầu để điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày đơn độc, hoặc giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày GOV2.

Tiêm Histoacryl búi giãn tĩnh mạch phình vị qua nội soi  là biện pháp điều trị tối ưu

Tiêm Histoacryl búi giãn tĩnh mạch phình vị qua nội soi

 là biện pháp điều trị tối ưu

N-butyl-2-cyanoacrylate (histoacryl) là một hợp chất polymer. Quá trình polymer hóa diễn ra khi chất này tiếp xúc với nước tạo thành chất đông cứng và bám chắc vào bất cứ bề mặt nào mà nó tiếp xúc. Chình vì vậy tiêm histoacryl vào trong lòng tĩnh mạch phình vị khi tiếp xúc với máu trong lòng mạch quá trình polymer sẽ diễn ra và tạo thành chất đông cứng tại búi giãn tĩnh mạch phình vị sau đó quá trình huyết khối sẽ diễn ra và làm rụng búi giãn vào trong lòng dạ dày.

*) Chỉ định nội soi tiêm histoacryl khi:

  • Tiêm xơ vào tĩnh mạch phình vị cấp cứu khi có vỡ tĩnh mạch phình vị do tăng áp lực tmc
  • Tiêm xơ tĩnh mạch phình vị để phòng chảy máu

*) Chống chỉ định:

– Người bệnh mới bị nhồi máu cơ tim

– Bệnh lý tim phổi nặng

– Rối loạn đông máu nặng

– Giảm tiểu cầu nặng

*) Các bước tiến hành:

Sau khi người bệnh được tiền mê hoặc gây mê sẽ tiến hành thủ thuật:

  • Đưa máy nội soi cửa sổ thẳng vào dạ dày, qua kênh sinh thiết đưa kim tiêm cầm máu
  • Chọn vị trí bề mặt búi giãn để tiêm
  • Tiến hành tiêm histoacryl pha với lipiodol vào búi giãn.
  • Sau thủ thuật bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo dõi tại bệnh viện

THS.BS HOÀNG MINH KHƯƠNG – KHOA THĂM DÒ CHỨC NĂNG

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật