Tràn dịch khớp gối nguy hiểm như thế nào? Có chữa được không? Khi hút dịch có bị khô khớp, có bị tràn dịch hay không? Đây là những băn khoăn của rất nhiều người bệnh và người nhà người bệnh. Hãy cùng giải đáp các câu hỏi trên qua bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tràn dịch khớp gối là gì?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng dịch lỏng tích tụ trong khoang bao hoạt dịch khớp gối gây căng tức, đau nhức, khó gập duỗi gối, đi lại khó khăn, nhiều trường hợp nhức nhối suốt ngày đêm và không đi lại được.
Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?
Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh dẫn đến các mức độ tổn thương, biến chứng, nguy hiểm khác nhau, nhiều trường hợp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng hủy khớp cứng khớp gây tàn phế.
Nguyên nhân khớp gối bị tràn dịch là gì?
Khớp gối cấu trúc gồm đầu dưới xương đùi tiếp xúc với đầu trên xương chày được bao bọc bởi sụn khớp, có màng hoạt dịch, bao khớp, dây chằng và gân cơ bao bọc xung quanh giúp khớp chắc khỏe. Màng hoạt dịch khớp tiết ra dịch nhày trong, trơn, nhớt, bôi trơn bề mặt khớp giúp khớp vận động dễ dàng. Khi có yếu tố nào đó gây kích thích viêm khiến màng hoạt dịch khớp tiết nhiều dịch khớp hơn bình thường mà màng hoạt dịch không hấp thu lại được khiến dịch ứ đọng trong bao khớp gây ra tràn dịch khớp. Trường hợp chấn thương gây ra chảy máu vào bao khớp cũng gây ra tràn dịch khớp, lúc này là tràn máu khớp gối.
Các triệu chứng khi bị tràn dịch khớp gối
- Sưng khớp gối: Đây là triệu chứng hay gặp nhất. Gối tràn dịch thấy to hơn bên bình thường, căng hơn, mất giảm nếp nhăn hơn bên bình thường.
- Đau khớp gối: Triệu chứng này rất phổ biến. Người bệnh nhẹ thấy mỏi, nặng hơn thấy đau nhức vận động khó, tăng đau khi vận động, nặng hơn sẽ thấy nhức nhối liên tục.
- Vùng khớp gối có thể bị thay đổi màu sắc da như đỏ lên, sờ vào thấy nóng.
- Cử động bị hạn chế: Nhẹ thì khi đi lại cảm giác tức mỏi, lên xuống cầu thang khó hơn. Trường hợp nặng thì cử động rất khó khăn không thể đi lại được.
Khi có các dấu hiệu trên thì nguy cơ bạn bị tràn dịch khớp gối rất cao, cần đi khám sớm. Triệu chứng nặng cần khám ngay bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán bệnh sớm và chính xác, điều trị kịp thời, giúp giảm, hết đau, phòng biến chứng và ổn định bệnh lâu dài.
Các bệnh lý gây tràn dịch khớp gối thường gặp
- Thoái hóa khớp gối
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Viêm khớp dạng thấp
- Gút
- Viêm khớp phản ứng
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Viêm khớp trong các bệnh lý tự miễn khác như: viêm da cơ viêm đa cơ, xơ cúng bì, viêm cột sống dính khớp…
- Chấn thương khớp gối gây tràn máu khớp gối
Điều trị tràn dịch khớp gối như thế nào?
Tùy theo tình trạng bệnh lý được chẩn đoán, mức độ nặng của bệnh, giai đoạn bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất.
- Trường hợp dịch ít không có bệnh lý nhiễm trùng, có thể chỉ cần dùng thuốc đường uống, bôi tại chỗ.
- Trường hợp tràn dịch nhiều cần hút bỏ dịch khớp (có thể cần lấy dịch làm xét nghiệm). Hút dịch khớp đúng theo quy trình chuyên môn rất an toàn và không gây ra khô khớp hay tràn dịch khớp như nhiều người bệnh lo ngại. Hút dịch khớp làm giảm căng tức, giảm đau, giúp tiêm thuốc nội khớp hiệu quả.
- Các bệnh lý tràn dịch khớp có hình ảnh tổn thương (loại trừ bệnh tự miễn) sau khi trị hết viêm, hết tràn dịch sưng gối thường được điều trị bằng các phương pháp tái tạo giúp phục hồi tổn thương cải thiện chất lượng khớp gân cơ dây chằng, an toàn cho người bệnh như: Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân; Tiêm collagen; Tiêm dịch nhân tạo (Acid Hyaluronic)…
Bị tràn dịch khớp gối có nên tự mua thuốc uống không?
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: Một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều người bệnh vừa nghe thấy kết luận viêm khớp hay tràn dịch khớp là đã tự ý mua thuốc kháng sinh về uống. Hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác để tự điều trị. Điều này là hoàn toàn không nên. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh không theo chỉ định có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Bên cạnh đó, tràn dịch khớp gối là biểu hiện triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Cần phải thông qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán đúng bệnh, từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe và giai đoạn bệnh của từng người. Nếu người bệnh tùy tiện dùng thuốc, có thể tạm thời giảm được một số triệu chứng nhưng không điều trị được nguyên nhân sâu xa, lâu dần sẽ khiến tình trạng bệnh nặng lên, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Tràn dịch khớp gối gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt và lao động của người bệnh. Khi có dấu hiệu tràn dịch khớp gối hoặc những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời bằng các phương pháp phù hợp nhất, an toàn và hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.