Viêm loét đại trực tràng chảy máu – 1 số lưu ý

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, bệnh gây tổn thương lan toả lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, vị trí tổn thương chủ yếu ở trực tràng và có thể lan lên hết khung đại tràng.

Tỷ lệ gặp 50/100.000 dân, tỷ lệ tăng hàng năm 5/100.000 dân.

Bệnh thường gặp ở người trẻ 20-35 tuổi với tỷ lệ cả 2 giới như nhau.

viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu đến nay cũng chưa rõ, người ta cho rằng bệnh có liên quan tới thay đổi miễn dịch của cơ thể, môi trường sống, và di truyền.

Viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn được gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD). Mặc dù bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu có nhiều điểm tương đồng, nhưng chúng có thể được phân biệt trong hầu hết các trường hợp.

Biểu hiện lâm sàng của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Thể nhẹ (chiếm 60% các trường hợp): Người bệnh xuất hiện triệu chứng đại tiện phân nhày máu dưới 4 lần/ngày, có thể có đau bụng nhẹ, toàn trạng không có thay đổi. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm.

Thể trung bình (chiếm 25% các trường hợp): Đại tiện phân nhày máu 4-6 lần/ ngày, đau quặn bụng dưới, thường có kèm theo các triệu trứng toàn thân như thiếu máu, có thể xảy ra sốt, giảm protein máu gây phù, làm bệnh nhân mệt mỏi nhiều. Có thể có các biểu hiện ngoài ruột như sưng đau các khớp, viêm khớp cùng chậu.

Thể nặng (Chiếm 15% các trường hợp): Người bệnh đại tiện phân nhày máu hơn 6 lần/ngày.Toàn trạng cơ thể suy kiệt với biểu hiện nhịp tim nhanh, sốt, đau quặn và trướng bụng, đau rát hậu môn, mót rặn. Thường gặp các biểu hiện xương khớp kèm theo.Nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển rất nặng, có thể dẫn đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc phình đại tràng nhiễm độc.

Chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

Chẩn đoán bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chủ yếu dưa vào các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh khi nội soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết làm mô bệnh học.

Nội soi đại tràng được coi là xét nghiệm chìa khoá để chẩn đoán bệnh, với hình ảnh đặc trưng : Niêm mạc đại tràng phù nề chảy máu lan toả, dễ chảy máu khi chạm đèn soi, loét nông, giả polyp.

Ngoài ra còn có các xét nghiệm khác để giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh như Xét nghiệm phân thấy hồng cầu bạch cầu, calprotectin trong phân. Xét nghiệm máu  thấy có biểu hiện viêm: bạch cầu tăng, tốc độ lắng máu (VS) tăng, CRP tăng, có thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ (viêm loét đại tràng) hay thiếu máu hồng cầu to (Crohn), thấy albumin giảm (mất qua đường tiêu hóa do viêm loét), giảm Vitamin B12, axit folic, Fe huyết thanh. Rối loạn điện giải (giảm Kali, Mg++).

viêm loét đại trực tràng chảy máu

(Hình ảnh nội soi của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu )

Biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Do bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có các biểu hiện lâm sàng gần giống như bệnh viêm đại tràng hoặc các bệnh đường ruột thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan dẫn đến nhập viện muộn khiến cho việc điều trị khó khăn. Chính vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Các biến chứng thường gặp là :

  • Phình đại tràng nhiễm độc: biểu hiện bụng trướng hơn, đau bụng tăng, sốt, sốc do nhiễm độc.
  • Hẹp đại tràng: do xơ hoá lớp dưới niêm mạc và hoặc tăng lớp cơ gây hẹp lòng đại tràng
  • Chảy máu tiêu hoá thấp
  • Ung thư hoá đại tràng
  • Thủng đại tràng

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu như thế nào?

Điều trị nội khoa

–  Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ.

– Các thuốc thường được dùng để điều trị bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu : các dẫn chất của 5-ASA (5- Aminosalicylic acid), Corticoid, các thuốc ức chế miễn dịch azathioprin, cyclosporin, trường hợp nặng dùng các thuốc sinh học.

– Người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đủ năng lượng lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, thường được áp dụng trong trường hợp thể nặng gây phình đại tràng nhiễm độc, nguy cơ thủng đại tràng , chảy máu tiêu hoá nặng, ung thư hoá hoặc khi bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa.

Lưu ý cho người bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu

– Người bệnh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ , nội soi đại tràng 6 tháng 1 lần.

– Khi phát hiện bản thân có rối loạn đại tiện như thay đổi số lần đi ngoài, thay đổi tính chất phân như phân có máu, không thành khuôn kèm theo có đau bụng , mót rặn thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và tầm soát bệnh kịp thời. Tránh để bệnh đã tiến triển ở tình trạng nặng và muộn mới đi khám thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật