VIÊM PHỔI, TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới rất thường gặp, ở nhiều đối tượng khác nhau đặc biệt là người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi cũng rất cao, đứng hàng đầu trong số các bệnh lý nhiễm trùng.

Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi gây ra bởi nhiều căn nguyên khác nhau, tổn thương viêm tại các phế nang, túi phế nang, ống phế nang,… Tổn thương làm các phế nang lấp đầy bởi dịch tiết, gây ra các triệu chứng trên lâm sàng và biến đổi trên phim chụp ngực. Tùy từng căn nguyên khác nhau mà tổn thương có thể khu trú tại một thùy, một phân thùy hoặc lan tràn cả hai phổi gây suy hô hấp.

Them tieu de 4

Căn nguyên viêm phổi?

Viêm phổi do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra. Có thể được chia làm 4 nhóm:

  • Viêm phổi do vi khuẩn: Là căn nguyên hay gặp nhất. Các vi khuẩn thông thường bao gồm: phế cầu, Haemophilus influenzae,… Phế cầu là thủ phạm nguy hiểm và thường gặp nhất, gây tỷ lệ tử vong khá cao. Đối với các bệnh nhân nằm viện, các vi khuẩn khác như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh,… lại chiếm tỷ lệ cao hơn, với nguy cơ đề kháng kháng sinh gây khó khăn cho điều trị
  • Viêm phổi do virus: có rất nhiều loại virus gây bệnh trên đường hô hấp và có khả năng biến chứng gây viêm phổi: virus hợp bào hô hấp, virus cúm, Covid 19,… Virus làm tổn thương các phế nang sau đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm cho tổn thương phổi càng nặng nề hơn.
  • Viêm phổi do nấm: Ngày càng nhiều ca bệnh viêm phổi do nấm được phát hiện nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại hơn. Đây là tác nhân gây tỷ lệ tử vong rất cao, có thể đến 50-70% ca bệnh nấm xâm nhập nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Viêm phổi do nấm hay gặp trên các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, giảm bạch cầu,…
  • Viêm phổi do các căn nguyên khác như xạ trị, thuốc, do vi khuẩn không điển hình. Tuy tỷ lệ gặp ít hơn nhưng nguy cơ để lại di chứng cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng viêm phổi

Viêm phổi có triệu chứng lâm sàng đa dạng tùy từng căn nguyên khác nhau

  • Ho khạc đờm là triệu chứng hay gặp nhất và là triệu chứng đầu tiên khiến bệnh nhân đi khám. Có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu. Ho là phản xạ của cơ thể nhằm đào thải các chất xuất tiết từ phế nang ra bên ngoài
  • Sốt: tình trạng viêm tại phế nang được biểu hiện toàn thân bởi sốt. Ban đầu sốt cao từng cơn, sốt nóng, rét run từng cơn. Khi tình trạng viêm tại các phế nang giảm, cơn sốt sẽ giảm, thưa dần và hết.
  • Đau tức ngực, khó thở: các phế nang bị tổn thương, lấp đầy dịch tiết, mất chức năng khiến bệnh nhân có cảm giác khó thở, thậm chí suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn,…
  • Các triệu chứng khác như: ho ra máu, khò khè, mệt mỏi, sút cân,…

Dự phòng viêm phổi

  • Điều trị tốt bệnh lý nền: kiểm soát huyết áp, đường máu, bệnh phổi mạn tính, bệnh gan mạn tính
  • Tiêm vaccin phòng cúm, phế cầu
  • Không hút thuốc lá, thuốc lào
  • Giữ ấm vào mùa đông, vệ sinh đường hô hấp trên
  • Có lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ chất

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật