Chấn thương bụng kín gây vỡ gan, chảy máu trong ổ bụng là một cấp cứu hay gặp trong các bệnh viện. Vỡ gan có thể gây nên tình trạng lâm sàng nặng nề nếu trường hợp vỡ gan lớn, máu chảy trong ổ bụng nhiều gây nên truỵ mạch, tụt huyết áp và cần phải được xử lý sớm và tích cực.
Một trong những phương pháp kinh điển hay được áp dụng là phẫu thuật mở khâu gan vỡ hoặc cắt bỏ phần gan bị vỡ và cầm máu. Đây là một phẫu thuật rất lớn, phải mở vào ổ bụng với đường mổ dài và rất nặng nề cho người bệnh. Từ khi có phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu phát triển, đã áp dụng và can thiệp cầm máu cho nhiều người bệnh vỡ gan và có hiệu quả cầm máu rất cao, tránh được các cuộc đại phẫu, tránh ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ và giảm thời gian nằm viện cho người bệnh.
Ca bệnh vỡ gan điển hình
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận người bệnh Nguyễn Khánh D., là nam học sinh, 14 tuổi, bị tai nạn giao thông, được chuyển xuống từ một Bệnh viện tuyến dưới. Người bệnh được chẩn đoán là đa chấn thương, trong đó có chấn thương vỡ gan phải diện rộng, đang chảy máu trong vùng gan bị vỡ.
Trước tình trạng lâm sàng được xác định là rất nặng do nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương, có nguy cơ gây shock mất máu và diễn biến nặng hơn. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định thực hiện ngay kỹ thuật nút mạch cầm máu cấp cứu cho người bệnh. Vị trí chảy máu đã được nút cầm máu thành công chỉ sau khoảng 10 phút thực hiện.
Bác sĩ chia sẻ
Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Lục, trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện ca nút mạch cho biết, đây là kỹ thuật nút mạch cầm máu xâm lấn tối thiểu, có rất nhiều ưu điểm đối với người bệnh đó là không phải phẫu thuật mở để cầm máu, không phải gây mê, đạt hiệu quả cầm máu tối đa, hầu như không có biến chứng, thời gian hồi phục rất nhanh.
Sau nút mạch 3 ngày, ổ tụ máu gan phải của người bệnh đang được hấp thu dần và kích thước nhỏ lại, dịch máu trong ổ bụng gần như đã hấp thu hết, không có biến chứng gì và người bệnh được tiếp tục theo dõi thêm một số ngày khi ổn định sẽ được xuất viện.
Tiến sĩ Lục cho biết, kỹ thuật nút mạch cầm máu các tạng đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ nhiều năm nay và đã cứu chữa cho nhiều người bệnh chấn thương gan cũng như các chấn thương các tạng khác nói như vỡ lách, vỡ thận.
Ngoài các kỹ thuật nút mạch cầm máu, Tiến sĩ Lục còn chia sẻ hiện tại các bác sĩ chuyên ngành Điện quang can thiệp Bệnh viện đã thực hiện được rất nhiều thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu điều trị các bệnh lý khác nhau cho người bệnh như:
Nút mạch điều trị ung thư gan, nút mạch điều trị u xơ tử cung, nút mạch điều trị u xơ tuyến tiền liệt, nút mạch cầm máu do bệnh lý (ho ra máu, khối u vỡ, chảy máu sau mổ …), can thiệp cầm máu và dự phòng chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày trong xơ gan, can thiệp nút mạch điều trị dị dạng mạch máu tạng (gan, lách, thận, mạch ngoại vi …), dẫn lưu đường mật, đặt stent đường mật điều trị tắc mật.
Một số hình ảnh bệnh nhân được nút mạch cầm máu gan vỡ:
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ
Tổng đài chăm sóc khách hàng
Tiến sĩ Bác sĩ Trần Quang Lục – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Nguồn tham khảo: Liver injury