Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở là gì?
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở (test HP hơi thở) là một trong các phương pháp để phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày tá tràng một cách đơn giản, an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.
Vi khuẩn HP là gì?
HP là tên viết tắt của Helicobacter pylori (H. pylori) là một loại vi khuẩn gây ra các vấn đề về dạ dày khi chúng xâm nhập vào niêm mạc của dạ dày và tạo ra các chất trung hòa axit dạ dày. Điều này làm cho các tế bào dạ dày dễ bị tổn thương. Axit dạ dày và HP cùng kích thích niêm mạc dạ dày và có thể gây loét ở dạ dày hoặc tá tràng.
Nhiễm khuẩn HP là một trong những nhiễm khuẩn phổ biến hiện nay trong cộng đồng. Đây là một loại vi khuẩn có thể gây viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, ung thư dạ dày và nhiều bệnh lý khác.
Các con đường lây nhiễm
Vẫn chưa biết chính xác bệnh nhiễm HP lây lan như thế nào.
Vi khuẩn đã cùng tồn tại trong đời sống con người trong nhiều năm. Các bệnh nhiễm trùng được cho là lây lan từ miệng của người này sang người khác. Chúng cũng có thể được lây từ phân bón thực phẩm và lây vào qua đường ăn uống hoặc không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, làm vườn …
Ai có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP?
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP. Hiện nay ước tính trên thế giới có khoảng 50% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Ở Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 60 – 70%. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt và chất lượng sống.
Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do bố mẹ hay người thân nhiễm vi khuẩn có thói quen như hôn môi, mớm thức ăn cho trẻ.
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP?
Khoảng 70 – 80% các trường hợp nhiễm HP không có triệu chứng. Tuy nhiên, thường xuất hiện những biểu hiện sau:
– Đau hay khó chịu vùng trên rốn (vùng thượng vị)
– Cảm giác đầy hơi sau khi chỉ ăn một lượng ít thức ăn
– Không có cảm giác đói
– Buồn nôn hay nôn
– Đi ngoài phân đen
– Cảm giác mệt mỏi
Đối tượng nào nên xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở?
– Người bệnh có các triệu chứng về rối loạn tiêu hoá như đau bụng theo cơn, dai dẳng và nặng dần; ăn không ngon, chán ăn; buồn nôn và nôn; xuất huyết tiêu hoá, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen; sút cân nhanh,..
– Người trong gia đình có tiền sử nhiễm vi khuẩn HP bị loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày …
– Người muốn kiểm tra dạ dày nhưng không muốn hay không thể thực hiện bằng phương pháp nội soi, muốn đơn giản, nhanh chóng và chính xác.
– Người bệnh đang trong quá trình điều trị bệnh lý dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP cần được kiểm tra lại để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
Quy trình thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở?
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở:
– Bản thân có ít nhất một trong các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
– Người bệnh đang không dùng thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm Proton (PPI), hoặc các chế phẩm Bismuth trong 2 tuần trước khi tiến hành xét nghiệm. Riêng một số loại kháng sinh phải dừng ít nhất 4 tuần trước khi thực hiện xét nghiệm.
– Người bệnh không có thai hoặc đang cho con bú.
– Không uống hay ăn bất cứ cái gì ít nhất 2 giờ trước khi làm xét nghiệm.
– Không làm xét nghiệm HP bằng hơi thở lần thứ 2 trong vòng 2 ngày kể từ ngày test đầu tiên.
– Không hút thuốc ít nhất 2 giờ trước khi xét nghiệm
Các bước thực hiện xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở
Bước 1: Người bệnh được nhân viên y tế cho uống 1 viên thuốc có chứa đồng vị phóng xạ C14 và ngồi chờ trong khoảng 15 – 25 phút.
Bước 2: Kỹ thuật viên sẽ đưa cho người bệnh dụng cụ xét nghiệm (một cái thẻ) và yêu cầu thổi vào dụng cụ xét nghiệm. Thời gian thổi khoảng 5 – 10 phút tùy người bệnh cho đến khi đủ lượng CO2 cho một lần xét nghiệm. (vòng tròn trên dụng cụ xét nghiệm chuyển từ màu vàng cam sang màu vàng chanh)
Bước 3: Kiểm tra kết quả trên máy phân tích và kết luận có sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày hay không?
Kết quả
- Dương tính: nghĩa là nhiễm vi khuẩn HP (Thông thường, trên 50 là dương tính với vi khuẩn HP. Chỉ số này càng cao thì tải lượng HP trong dạ dày tương ứng càng nhiều)
- Âm tính: nghĩa là không nhiễm vi khuẩn HP
Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở cho biết tải lượng HP trong dạ dày cao hay thấp, tuy nhiên nó không phản ánh mức độ tổn thương trong dạ dày nặng hay nhẹ. Do đó, tải lượng HP cao sẽ có nguy cơ khiến bệnh dạ dày tiến triển nhanh hơn hoặc tái phát, chính vì vậy mà nếu đang có dấu hiệu bị bệnh dạ dày thì cần phải giảm tải lượng HP, hoặc diệt trừ HP bằng kháng sinh
Nguyên lý hoạt động của phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở?
Vi khuẩn HP sinh ra một loại Enzyme gọi là Urease, Enzyme này phân hủy Urê thành Amoniac và Carbon dioxide. Trước khi test, người bệnh được cho uống một viên thuốc chứa Urê. Carbon dioxide được hấp thụ qua niêm mạc dạ dày và vào máu sau đó đi đến phổi và được người bệnh thở ra. Máy sẽ đo lượng Carbon dioxide thở ra và phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày
Ưu điểm của phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở
– Độ nhạy cao (lên tới 95%) cho phép phát hiện được vi khuẩn HP ngay cả khi có tải lượng thấp nhất.
– Độ chuyên biệt cao (lên tới 96%) hạn chế sai sót do tác động của các loại vi khuẩn sinh Urease khác.
– Độ chính xác cao (lên tới 90%) được nhiều bác sĩ và người bệnh tin cậy trong việc phát hiện và theo dõi điều trị vi khuẩn HP.
– Tiết kiệm thời gian: Toàn bộ quá trình xét nghiệm chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút và có thể thực hiện ở hầu hết các cơ sở y tế.
– An toàn, không gây đau: Xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở hoàn toàn không gây đau bởi người bệnh không phải chịu bất kỳ xâm lấn nào vào cơ thể nên đảm bảo tính an toàn cao. Mặc dù C14 là đồng vị có tính phóng xạ của Carbon, tuy nhiên, lượng phóng xạ của mỗi lần làm test là cực thấp, không gây ra bất kỳ ảnh hưởng bất lợi đáng kể nào cho cơ thể
– Có thể thực hiện để kiểm tra hiệu quả điều trị HP: Sau khi người bệnh điều trị bệnh lý dạ dày có vi khuẩn HP với một phác đồ điều trị đều cần phải kiểm tra lại tình trạng nhiễm khuẩn HP, việc kiểm tra lại như vậy trong đa số các trường hợp không cần phải tiến hành nội soi dạ dày mà có thể thực hiện xét nghiệm test thở kiểm tra vi khuẩn HP.
– Đánh giá được chính xác lượng HP đang hoạt động: Vi khuẩn HP đang hoạt động là đối tượng gây ra tình trạng viêm, tổn thương dạ dày. Test HP qua thở có kết quả cao chứng tỏ lượng Urease sinh ra nhiều là lúc vi khuẩn HP đang hoạt động mạnh và khả năng gây bệnh cao hơn, việc diệt trừ HP sẽ khó khăn hơn.
Nhược điểm của phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP bằng hơi thở
- Không thể theo dõi, đánh giá cụ thể tình trạng tổn thương dạ dày như phương pháp nội soi. Do đó, khi có những tổn thương trong dạ dày thì người bệnh khó có thể biết được.
- Chi phí kiểm tra của phương pháp này cao hơn so với cách kiểm tra bằng xét nghiệm máu hay xét nghiệm phân.
Điều trị?
Liệu pháp bộ bốn loại thuốc
Là liệu pháp ban đầu tốt nhất ở những nơi có tỷ lệ kháng Clarithromycin > 15%. Trong liệu pháp bộ bốn loại thuốc này, các thuốc uống sau đây được cho dùng trong 14 ngày:
- Thuốc ức chế bơm Proton (Lansoprazole 30 mg 2 lần mỗi ngày, Omeprazole 20 mg 2 lần mỗi ngày, Pantoprazole 40 mg 2 lần mỗi ngày, Rabeprazole 20 mg 2 lần mỗi ngày, hoặc Esomeprazole 40 mg mỗi ngày một lần)
- Bismuth subsalicylate (524 mg 4 lần mỗi ngày)
- Metronidazole 250 mg 4 lần mỗi ngày
- Tetracycline 500 mg 4 lần mỗi ngày
Liệu pháp bộ ba loại thuốc
Là phác đồ thường được kê đơn thường xuyên nhất để điều trị nhiễm vi khuẩn HP. Các loại thuốc uống sau đây được sử dụng trong 10 đến 14 ngày:
- Thuốc ức chế bơm Proton (Lansoprazole 30 mg 2 lần mỗi ngày, Omeprazole 20 mg 2 lần mỗi ngày, Pantoprazole 40 mg 2 lần mỗi ngày, Rabeprazole 20 mg 2 lần mỗi ngày, hoặc Esomeprazole 40 mg mỗi ngày một lần)
- Amoxicillin (1 g 2 lần mỗi ngày) hoặcMetronidazole 250 mg 4 lần mỗi ngày
- Clarithromycin (500 mg 2 lần mỗi ngày)
Tuy nhiên, ở nhiều vùng trên thế giới, tỷ lệ kháng Clarithromycin đang tăng lên và khả năng thất bại của liệu pháp bộ ba loại thuốc ngày càng cao. Do đó, phác đồ này không được khuyến cáo để điều trị ban đầu, trừ khi ≥ 85% các chủng HP tại địa phương được xác định là nhạy cảm hoặc phác đồ này được biết là vẫn có hiệu quả trên lâm sàng ở khu vực địa phương đó.
Đối với các chủng kháng HP kháng đa thuốc, phác đồ bộ ba loại thuốc kèm theo Rifabutin có thể có hiệu quả.
Những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn này có loét dạ dày hoặc tá tràng cần phải tiếp tục dùng thuốc ức chế axit trong ít nhất 4 tuần.
Dù là một xét nghiệm đơn giản, nhưng để có kết quả chính xác nhất người bệnh vẫn cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ uy tín, giàu kinh nghiệm.
BSCKI Nguyễn Ngọc Hà – Đơn vị Vi sinh, Trung tâm xét nghiệm
Nguồn tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/symptoms-causes/syc-20356171
Người bệnh có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà xin vui lòng liên hệ:
Tổng đài chăm sóc khách hàng 1800 888 989 (Miễn phí cước gọi)
Theo dõi thông tin y tế tại: https://benhviendakhoatinhphutho.vn