Hỏi đáp chuyên gia về bệnh tim mạch

Tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1 – 2 người đã mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Vì vậy bệnh tim mạch luôn được người dân quan tâm. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến Bệnh tim mạch. Để giải đáp phần nào những thắc mắc đó, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ, giải đáp của Bác sĩ CKII Ngô Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

15092020

Người bệnh hỏi: Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch là gì thưa bác sĩ?

Chuyên gia trả lời: Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày, như:

  • Hút thuốc lá: Chất Nicotine và Carbon monoxide có trong thuốc lá chính là nguyên nhân gây co thắt các mạch máu, xơ vữa động mạch.
  • Chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol.
  • Ít vận động, hoạt động thể dục thể thao.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch và làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.
  • Tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu.
  • Đái tháo đường: Bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
  • Tuổi tác cao tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch.
  • Yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).

Người bệnh hỏi: Nhiều người cho rằng bệnh tim mạch là bệnh di truyền, điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Chuyên gia trả lời: Đầu tiên cần ý thức rằng hầu hết các bệnh lý tim mạch xảy ra chủ yếu là do lối sống không lành mạnh của chúng ta, với chỉ rất ít phần trăm là do các yếu tố di truyền.

Tuy nhiên đối với một số bệnh như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh mạch vành, hội chứng Brugada, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim… thì có thể có tính chất gia đình. Cụ thể, nếu trong gia đình có bố mẹ hay ông bà mắc những bệnh lý này thì con cái, anh em ruột sẽ có khả năng kế thừa gen bệnh và có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần người khác.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch bằng cách tầm soát điện tim cho bản thân và người thân trong gia đình sớm và chủ động có những thay đổi tích cực đối với các yếu tố nguy cơ.

Người bệnh hỏi: Người bệnh tim mạch nên ăn uống, tập luyện như thế nào?

Chuyên gia trả lời: Ngoài việc sử dụng thuốc và các can thiệp từ y tế, thì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phòng ngừa, điều trị và ngăn bệnh tiến triển hay tái phát. Người bệnh tim mạch nên hạn chế ăn mặn, kiểm soát chất béo, hạn chế đồ ngọt, bổ sung chất sơ, vitamin và khoáng chất, hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá. Người bệnh tim mạch nên có chế độ tập luyện thể dục phù hợp giúp giảm đường, giảm mỡ, giảm cân, giảm áp huyết, và giảm những bệnh tim mạch

Người bệnh hỏi: Tôi hay bị hồi hộp đánh trống ngực, đó có phải là bị bệnh tim mạch không? Xin cho biết những triệu chứng nhận biết sớm nhất của bệnh tim mạch?

Hồi hộp đánh trống ngực là một triệu chứng không đặc hiệu xuất hiện khi có bất thường về nhịp đập của quả tim. Các bất thường về nhịp đập của quả tim như ngoại tâm thu, bỏ nhịp, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều. Để chẩn đoán chính xác liệu có bất thường về nhịp tim hay không, người bệnh cần được làm điện tim đồ hoặc điện tim đồ ghi trong thời gian 24 giờ.

Triệu chứng nhận biết sớm nhất của bệnh tim mạch

  • Khó thở: xuất hiện từ từ, tăng lên khi người bệnh gắng sức, đặc biệt khi nằm xuống.
  • Cảm giác bị đè nặng trong ngực, đau tức ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim, tuy nhiên cũng xuất hiện ở các bệnh lý khác như hô hấp, thần kinh.
  • Cơ thể bị tích nước, mặt, bàn chân căng phù: Triệu chứng phù do bệnh tim mạch thường là phù tím, phù mềm, dấu hiệu bắt đầu từ hai bàn chân kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
  • Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: cơ thể mệt mỏi, kiệt sức khi thực hiện các hoạt động thường ngày. Đây là dấu hiệu thiếu máu đến tim, não và phổi.
  • Ho dai dẳng, khò khè: Tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể khiến máu bị ứ lại. Dịch ứ ở phổi lâu ngày gây tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.
  • Chán ăn, buồn nôn: Sự tích tụ của dịch trong gan, hệ thống tiêu hóa khiến người bệnh chán ăn và buồn nôn.
  • Đi tiểu đêm: Người bệnh suy tim sẽ đi tiểu thường xuyên vào ban đêm do sự chuyển dịch lượng nước tích tụ trong cơ thể gây phù ở nhiều bộ phận đến thận thông qua các mạch máu.
  • Nhịp tim nhanh, mạch không đều: tim đập với tốc độ nhanh hơn, đánh trống ngực hoặc đập dồn dập.
  • Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi.
  • Chóng mặt, ngất xỉu: là triệu chứng thường gặp khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.

Trên đây là một số những giải đáp của Bác sĩ CKII Ngô Thị Thu Hương dành cho người bệnh. Mọi thắc mắc xin vui lòng gửi trực tiếp về Fanpage: Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hoặc liên hệ trực tiếp theo Hotline: 0210.627.8888.

Bs CKII Ngô Thị Thu Hương – Trương Tĩnh

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật