Bệnh động mạch vành – 6 điều cần biết

Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong lớn nhất. Trong đó Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong số một. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ bệnh động mạch vành ngày càng gia tăng. Mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ trong việc điều trị nhưng bệnh mạch vành vẫn còn là thách thức lớn cho cả thầy thuốc và bệnh nhân. Sự hiểu biết cần thiết về bệnh sẽ giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm, phòng bệnh và điều trị có hiệu quả hơn.

Bệnh động mạch vành - 6 điều cần biết
Bệnh động mạch vành – 6 điều cần biết

Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành là bệnh của các động mạch nuôi tim, còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy động mạch vành hay còn gọi là suy mạch vành.

Có nhiều người bị bệnh động mạch vành không?

  • Tại Mỹ, số lượng bệnh nhân mắc mỗi năm khoảng 13.2 triệu người (trên tổng dân số 300 triệu người).
  • Tại châu Âu, tỷ lệ mắc mới bệnh mạch vành trong dân số ước tính từ 3.5 – 4.1%.
  • Tại Việt Nam năm 1999 là 9.5%. Tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành chiếm từ 11 – 36%.

Bệnh động mạch vành hiện là một gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam

Bệnh động mạch vành có nguy hiểm không?

Người bệnh mạch vành có thể bị tử vong ngay lập tức hoặc trong vài giờ động mạch vành bị tắc nghẽn, trước khi xuất hiện nhồi máu cơ tim. Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt bởi các cơn đau thắt ngực triền miên cùng nhiều biến chứng mãn tính như: Suy tim, rối loạn nhịp tim, các cơn đau thắt ngực

Bệnh động mạch vành nguyên nhân gây tử vong số 1 trong các bệnh tim mạch
Bệnh động mạch vành nguyên nhân gây tử vong số 1 trong các bệnh tim mạch

Những nguyên nhân nào gây ra bệnh động mạch vành?

Các bệnh tim mạch không có một nguyên nhân duy nhất! Ở nam giới và phụ nữ các yếu tố nguy cơ tích lũy lại để gây ra bệnh.

Yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi tác: tuổi càng cao nguy cơ càng cao.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn (chiếm khoảng 70%) so với nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới sau mãn kinh thì tốc độ gia tăng các bệnh tim mạch càng nhanh.
  • Yếu tố di truyền:
  • Tăng huyết áp: là yếu tố nguy cơ mạnh nhất, điều trị tốt huyết áp làm giảm nguy cơ bệnh động mạch vành.
  • Rối loạn mỡ máu: Tăng hàm lượng các chất cholesterol và triglycerid rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch.
  • Hút thuốc lá,thuốc lào: là một yếu tố nguy cơ đã được khẳng định làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại .Hút thuốc lá thụ động (khi bạn phải hít khói thuốc lá do người khác hút) cũng có nguy cơ không kém
  • Thừa cân – Béo phì
  • Đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type II, có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Đái tháo đường đẩy nhanh quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.
  • Lười vận động
  • Uống rượu: uống rượu ít không gây nguy cơ tim mạch và trong chừng mực nào đó có thể giúp ngăn ngừa xơ vỡ động mạch và bệnh động mạch vành (không quá 330ml bia, 50ml rượu 30% mỗi ngày).

Dấu hiệu nhận biết bệnh động mạch vành

  • Đau thắt ngực

+ Đau thắt ngực là dấu hiệu cơ bản và quan trọng nhất để nhận biết bệnh động mạch vành.

+ Đau có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác có 1 cái gì đó khó chịu trong lồng ngực.

+ Vị trí đau hay gặp là sau xương ức, giữa ngực hoặc vùng tim. Đau có thể tại chỗ hoặc lan lên cổ, hàm, vai hay cánh tay bên trái, ít trường hợp lan ra sau lưng hay vùng cột sống.

Cơn đau thường rất ngắn chỉ 10-30 giây hay 1 vài phút; nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút là có khả năng đã bị nhồi máu cơ tim

+ Đau thắt ngực ổn định (hay còn gọi là đau thắt ngực khi gắng sức) là biểu hiện điển hình nhất.

+ Đau thắt ngực được gọi là ổn định vì nó xảy ra lặp đi lặp lại ở cùng một mức gắng sức, ít ra là trong cùng những tình huống như nhau.

+ Cùng một mức gắng sức gây ra cơn đau tuy nhiên thời tiết lạnh và cảm xúc cũng có thể gây ra cơn đau.

+ Các cơn đau thắt ngực ổn định thường là chấm dứt 1 – 5 phút sau khi ngưng gắng sức.

  • Nhồi máu cơ tim

+ Nếu đau thắt ngực xảy ra trong khi đang nghỉ ngơi và tiếp tục kéo dài hoặc không thuyên giảm khi ngưng gắng sức.

+ Các cơn đau thường liên tiếp, đau như chẹn lấy ngực, như có người chẹn ngang cổ không thể nào thở được, đau vã mồ hôi có khi phải kêu to.

+ Cơn đau thường kéo dài quá 15 phút.Cường độ đau lớn hơn.Thời gian kéo dài hơn.

+ Ngừng gắng sức và thuốc giãn mạch không có tác dụng cắt cơn đau

  • Một số triệu chứng bệnh tim mạch vành khác

+ Người bệnh thấy hồi hộp, hụt hơi.

+ Thường xuyên chóng mặt, hoảng hốt.

+ Mệt ở ngực, xuất hiện cơn đau ngực kèm theo buồn nôn, tụt huyết áp

Phải làm gì khi bị đau thắt ngực?

  • Trước hết, bệnh nhân cần phải ngừng ngay lập tức mọi hoạt động gắng sức và nghỉ ngơi ngay lập tức.
  • Kế đến, sử dụng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi để kịp thời khống chế sự cấp tính của bệnh.
  • Sau đó, nhờ đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đây là các động tác vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa quyết định giúp cứu sống bệnh nhân. Đôi khi chỉ cần chậm trễ một chút hoặc bệnh nhân cố gắng sức thêm chút nữa cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ 

Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hotline: 1800.888.989

Nguồn tham khảo: Coronary artery disease

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện