Khi nhắc đến đột quỵ, người ta có thể nhớ ngay đến các triệu chứng điển hình của nó như liệt hoặc mất vận động một số bộ phận cơ thể, khó nói hay ăn uống, rối loạn nhận thức… Tuy nhiên, có một loại đột quỵ không biểu hiện bất kỳ một triệu chứng nào trong số trên, đó gọi là đột quỵ thầm lặng.
Đột quỵ thầm lặng (Silent Stroke) là cơn đột quỵ không có bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào liên quan đến đột quỵ và bệnh nhân thường không biết mình đã bị đột quỵ. Trong một nghiên cứu lớn ở Mỹ vào năm 1998, ước tính có gần 12 triệu người bị đột quỵ, khoảng 770.000 ca trong số này có triệu chứng và 11 triệu ca là đột quỵ thầm lặng lần đầu phát hiện trên Chụp cộng hưởng từ (MRI). Như vậy, tỷ lệ đột quỵ thầm lặng vượt quá tỷ lệ đột quỵ có triệu chứng.
Sau hơn 2 thập kỷ nghiên cứu, người ta nhận thấy đột quỵ thầm lặng gặp khá phổ biến; mặc dù không gây ra các triệu chứng dễ nhận biết, nhưng một cơn đột quỵ thầm lặng vẫn khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), đột quỵ lớn và sa sút trí tuệ trong tương lai. Đột quỵ thầm lặng thường do các tổn thương não được phát hiện thông qua việc sử dụng hình ảnh học thần kinh như MRI. Do tỷ lệ mắc bệnh cao nên đột quỵ thầm lặng là phát hiện tình cờ thường gặp nhất trên hình ảnh MRI não.
Nguy cơ đột quỵ thầm lặng tăng lên theo tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ tuổi. Phụ nữ dường như có nhiều nguy cơ bị đột quỵ thầm lặng.
3 biểu hiện cơ bản của đột quỵ thầm lặng là nhồi máu não thầm lặng, tổn thương chất trắng do nguyên nhân mạch máu, và chảy máu não vi thể.
Chẩn đoán đột quỵ thầm lặng bằng hình ảnh học thần kinh
Điển hình, đột quỵ thầm lặng được nhận biết trên chụp cộng hưởng từ (MRI) và cắt lớp vi tính (CT) sọ não. MRI có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn CT, có thể chứng minh và phân biệt tốt hơn nhồi máu nhỏ dưới vỏ và vỏ não, nhồi máu ổ khuyết, tăng tín hiệu chất trắng (WMH), các khoảng quanh mạch, teo não và các tổn thương cấu trúc khác.
Nhồi máu não thầm lặng (SBI – Silent Brain Infarct) – Thể lâm sàng hay gặp nhất
Nhồi máu não thầm lặng hay gặp hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và sa sút trí tuệ. Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não thầm lặng bao gồm tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rung nhĩ và hút thuốc lá. Một nghiên cứu cho thấy, nam giới và người da đen trẻ tuổi cũng tăng nguy cơ mắc nhồi máu não thầm lặng.
Do nhồi máu não thầm lặng và đột quỵ thiếu máu cục bộ được cho là có chung một bệnh lý nên phương pháp tiếp cận chẩn đoán được cho là giống nhau. Cần đánh giá các yếu tố nguy cơ mạch máu kinh điển, như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, lười vận động, …Còn nguồn gốc của nhồi máu não thường được phân loại theo 1 trong 5 cơ chế sau: thuyên tắc từ tim, thuyên tắc từ huyết khối xơ vữa mạch máu lớn, bệnh tắc mạch máu nhỏ, nguyên nhân xác định khác, hoặc không rõ nguyên nhân (vô căn).
Hầu hết các ổ nhồi máu thầm lặng nằm ở vùng dưới vỏ và có đường kính tối đa <15mm, do đó có thể được phân loại là bệnh tắc mạch máu nhỏ hoặc nhồi máu ổ khuyết. Chỉ một ít (10% –20%) là nhồi máu vỏ não hoặc nhồi máu lớn, có nhiều khả năng do thuyên tắc gần từ tim hoặc động mạch lớn gần hơn như động mạch cảnh.
“Điều nguy hiểm của một cơn đột quỵ thầm lặng thường là thiếu manh mối rõ ràng, chỉ khi nó đã xảy ra mọi người mới biết”, tiến sĩ Hascalovici nhấn mạnh.
“Tuy nhiên, các triệu chứng đôi khi cũng có thể xuất hiện sớm như là mất thăng bằng, ngất xỉu, mất nhận thức và trí nhớ, mất kiểm soát cơ bắp hoặc gặp rắc rối với thị lực hay là lời nói của bạn… Nhiều người tin rằng đây chỉ là những dấu hiệu của sự lão hóa, nhưng có thể không phải vậy. Sự vụng về bất thường hoặc khó đi lại cũng là những chỉ số tiềm năng cảnh báo một cơn đột quỵ thầm lặng. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào trong số này, hãy lên lịch đi khám để tránh nguy hiểm có thể đã xảy ra”.
Phải chăng đột quỵ thầm lặng sẽ ít nguy hiểm hơn?
Hoàn toàn sai! Bạn không nhận biết được đột quỵ thầm lặng đang xảy ra không có nghĩa là bệnh không gây ra những thiệt hại to lớn cho sức khỏe.
Mặc dù đột quỵ thầm lặng thường chỉ ảnh hưởng đến một khu vực nhỏ của não bộ nhưng những tổn thương sẽ tích lũy dần dần. Nếu đã từng bị đột quỵ thầm lặng một vài lần, bạn sẽ bắt đầu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ hoặc gặp vấn đề trong việc tập trung.
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng nhiều cơn đột quỵ thầm lặng diễn ra sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ do nhiều ổ nhồi máu não (multi-infarct dementia). Một số triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ như:
– Có vấn đề về trí nhớ
– Có vấn đề về cảm xúc, chẳng hạn như cười hay khóc vào những thời điểm không thích hợp
– Thay đổi tướng đi
– Bị lạc đường, mất phương hướng ở cả những địa điểm quen thuộc
– Khó đưa ra được quyết định
– Mất kiểm soát ruột và bàng quang
Làm thế nào để nhận biết đột quỵ thầm lặng?
Nếu bạn được chụp CT hoặc MRI não bộ, kết quả hình ảnh sẽ cho thấy các đốm hoặc vùng tổn thương xuất hiện ở nơi mà tế bào não đã ngừng hoạt động. Trong khi bạn hoàn toàn không được ghi nhận dấu hiệu gì liên quan đến tổn thương thần kinh có thể nhận thấy như ảnh hưởng lời nói hoặc vận động, khi đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị đột quỵ thầm lặng.
Một số dấu hiệu khác khó nhận biết đến mức chúng thường bị nhầm lẫn với dấu hiệu lão hóa bình thường, chẳng hạn như:
– Gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng
– Dễ bị té ngã hơn
– Rò rỉ nước tiểu
– Thay đổi tâm trạng
– Giảm khả năng suy nghĩ
Vì vậy khi người dân có bất kỳ các dấu hiệu bất thường về nhận thức, vận động hoặc những thay đổi về cảm xúc cần phải khám chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị sớm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các vùng lân cận, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não (VD: ý thức giảm đột ngột, nói ngọng, méo miệng, tê bì hoặc yếu một bên cơ thể, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu, chóng mặt dữ dội….), người thân hãy gọi ngay đến Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ với đường dây nóng: 0210.655.2288 để được hướng dẫn sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm và kịp thời nhất.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thị Thu Hà