Đau xơ cơ (Fibromyalgia) – 1 số lưu ý

Đau xơ cơ là gì?

Bệnh đau xơ cơ là một bệnh lý ngoài khớp, không viêm với biểu hiện đau cơ, dây chằng, gân, tổ chức liên kết lan tỏa, mạn tính và rất nhạy cảm với áp lực nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ – xương – khớp kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, cứng khớp, khó nuốt, rối loạn cơ vòng, rối loạn nhận thức, cảm giác tê, kim châm và một số triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo sợ và các rối loạn liên quan stress.

Tỷ lệ bệnh thường ở nữ giới nhiều hơn nam giới, hay gặp ở người trẻ tuổi hoặc trung niên.

Nguyên nhân dẫn đến đau xơ cơ

Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Bệnh đau xơ cơ có thể xuất hiện sau stress, nhiễm virus hoặc một bệnh nhiễm khuẩn hệ thống (ví dụ như bệnh Lyme) hoặc có thể là nhiễm COVID-19 hoặc sau một sự kiện chấn thương.

Triệu chứng lâm sàng

– Đau: đau lan toả, mạn tính và không có giới hạn rõ ràng của vùng đau, đau lan toả toàn bộ cơ thể. Bệnh nhân có cảm giác đau sâu trong cơ, đau co thắt, đau như cắt hoặc đau rát bỏng ở một vùng gân, cơ hoặc tổ chức mềm quanh khớp. Có các điểm đau (tender point) khi ấn sâu chủ yếu tâp trung ở vùng cổ, gáy, vai, lưng… Bệnh nhân thường bị đau tăng vào buổi sáng và buổi tối.

đau xơ cơ

– Mệt mỏi: người bệnh mệt mỏi nhiều, khó tập trung,.. Đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh nhân đau xơ cơ bị chẩn đoán nhầm với các chứng bệnh khác như chứng mệt mỏi mạn tính, chứng trầm cảm…

– Mất ngủ: tình trạng mất ngủ tuỳ thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

– Đau đầu mạn tính không rõ nguyên: bệnh nhân đau đầu nhưng không có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, hay nhìn mờ…

– Hội chứng ruột kích thích: các triệu chứng đau bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, đánh hơi nhiều hoặc buồn nôn, trào ngược dạ dày – thực quản.

– Rối loạn chức năng vận động của khớp thái dương hàm: có thể bệnh nhân nhai khó, há khó hoặc cảm giác cứng khớp thái dương hàm vào buổi sáng.

– Các triệu chứng khác: các biểu hiện của hội chứng tiền mạn kinh (bốc hoả, ra mồ hôi bất thường…) đau ngực, cứng khớp buổi sáng, tê buốt đầu chi, cảm giác sưng nề đầu chi, tăng mẫn cảm da, hội chứng kích thích bàng quang.

Cận lâm sàng

Hiện nay đau xơ cơ chưa có xét nghiệm, cận lâm sàng đặc hiệu để chẩn đoán.

Các xét nghiệm để tìm các nguyên nhân khác bao gồm: tốc độ máu lắng hoặc CRP, CK và có thể làm các hormone về tuyến giáp để phát hiện suy giáp, viêm gan virus (có thể gây mệt mỏi và đau cơ toàn thân). Đau cơ xơ hóa thường không gây ra bất thường trong các xét nghiệm này. Các xét nghiệm khác (ví dụ, xét nghiệm huyết thanh với các bệnh lý khớp) chỉ được thực hiện khi khai thác bệnh sử và/ hoặc thăm khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Chẩn đoán

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán đau xơ cơ của ACR năm 1990:

Tiền sử có đau lan toả kéo dài trên 3 tháng: đau lan rộng ¾ cơ thể (đau một bên hoặc cả hai bên thân người, đau phía trên hoặc phía dưới ngang eo cột sống thắt lưng).

Có điểm đau (tender points): bao gồm 18 điểm trên toàn cơ thể. Khi chẩn đoán có thể dùng lực 4 kilogam ấn vào các điểm đau (áp lực ấn ngón tay cái của thầy thuốc vào các điểm đau). Đau xơ cơ được chẩn đoán xác định khi người bệnh có 11/18 điểm đau (đầu, cổ, mông, vai, cánh tay, lưng, thắt lưng…).

16112022 dauxoco 2

Điều trị

Không có liệu pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh đau xơ cơ, chủ yếu là điều trị các triệu chứng của bệnh.

Điều trị bằng thuốc:

– Thuốc giảm đau: có rất nhiều thuốc điều trị giảm đau trong đau xơ cơ như nhóm thuốc chống viêm không steroid, ức chế COX-2, Tramadol, Pregabalin (Lyrica)…

– Thuốc giãn cơ: các thuốc giãn cơ được dùng  phối hợp với thuốc giảm đau trong điều trị đau xơ cơ: Myonal, Mydocalm, Contramyl…

– Tiêm phong bế các điểm đau (tender points) bằng corticoid: Hydrocortisone, Depo-Medrol…

– Thuốc chống trầm cảm: một số thuốc chống trầm cảm với liều thấp có thể dùng trong điều trị đau xơ cơ để trợ giúp cải thiện giấc ngủ cho người bệnh: amitriptylin, trazodone… Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, đau xơ cơ không phải bệnh trầm cảm nên không được lạm dụng nhóm thuốc này trong điều trị đau xơ cơ.

– Thuốc ức chế chọn lọc serotonin.

– Thuốc kháng dopamine: pramipexol (Mirapex), ropinirole (Requip)

– Thuốc kích thích thần kinh trung ương.

– Các thuốc mới đang nghiên cứu trong điều trị đau xơ cơ: Milnacipran, Dextromethorphan.

Điều trị không dùng thuốc:

– Vật lý trị liệu: vận động liệu pháp, nhiệt trị liệu, thuỷ trị liệu, xoa bóp, châm cứu… đều có hiệu quả tốt trong điều trị giảm đau của đau xơ cơ.

– Tâm lý trị liệu: rất có hiệu quả với bệnh nhân đau xơ cơ, đặc biệt với người bệnh ở giai đoạn khởi phát.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật