Liệt dây VII ngoại biên – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Liệt dây VII ngoại biên

Liệt dây VII ngoại biên là gì?

Liệt dây VII ngoại biên, hay còn gọi là liệt Bell, là tình trạng một bên cơ mặt trở nên yếu hoặc chảy xệ xuống do dây thần kinh điều khiển cho cơ mặt bị tổn thương hoặc mất chức năng. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hầu hết người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng cũng có một số người phải mang di chứng suốt cuộc đời.

Triệu chứng của liệt dây VII ngoại biên

Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột và rất dễ nhận biết bằng mắt thường. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Tổng thể khuôn mặt mất cân đối, bị lệch 1 bên, mặt đơ cứng, khó biểu hiện cảm xúc trên nửa khuôn mặt.
  • Không thể nhắm chặt mắt, mắt ở phần nửa khuôn mặt bị đơ cứng chỉ nhìn thấy lòng trắng do nhãn cầu bị đẩy lên trên. Mắt khô do người bệnh không kiểm soát được việc tiết nước mắt gây khó khăn trong cử động.
  • Nửa miệng bị méo xệ, gây khó khăn trong giao tiếp, ăn uống.
  • Có cảm giác đau tai, một bên tai nghe không tốt.
  • Mất cảm giác vị giác, tăng tiết nước bọt trong miệng khi thực hiện ăn uống hoặc nói chuyện.
  • Đau đầu, đau cơ mặt.

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây VII ngoại biên

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến liệt dây VII ngoại biên, có thể kể đến như:

  • Do người bệnh bị nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió.
  • Mắc các bệnh lý về tai – mũi – họng mà không được điều trị kịp thời.
  • Có bệnh lý ở nền sọ.
  • U của hệ thần kinh trung ương.
  • U dây thần kinh thính giác.
  • Người bệnh bị chấn thương ở xương chũm, vùng thái dương,…
  • Do biến chứng của các bệnh lý như: Bệnh huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.

Những đối tượng dễ bị liệt dây VII ngoại biên

Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng người bệnh, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên có một số đối tượng có nguy cơ cao hơn:

  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém.
  • Người hay uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
  • Những người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya.
  • Người bệnh có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp, tiểu đường.
  • Những người hay phải đi sớm về khuya, làm việc ban đêm, điều kiện sống và làm việc thường phải tiếp xúc với gió lạnh và thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Điều trị liệt dây VII ngoại biên

Hiện nay để điều trị liệt dây VII ngoại biên, bác sĩ thường sử dụng phương pháp điều trị kết hợp giữa điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng, châm cứu. Với những người bệnh nặng có thể phải thực hiện phẫu thuật.

Điều trị bằng thuốc:

Đối với người bệnh liệt dây VII ngoại biên, bác sĩ thường cho sử dụng corticoid sớm với liều cao (1mg prednisolon /kg), có thể dùng kết hợp với các thuốc chống virus đặc biệt cho những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus.

Người bệnh còn được cho uống thêm các loại vitamin như các Vitamin nhóm B (B1, B6, B12), vitamin D và khoáng chất có tác dụng thúc đẩy phục hồi dây thần kinh bị tổn thương.

Với những người bệnh bị khô mắt, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm nước mắt nhân tạo và một loại băng dính y khoa không gây dị ứng dán lên mí mắt để điều chỉnh nhắm mở mắt và chống lộn mi ra ngoài.

Vật lý trị liệu:

Bên cạnh điều trị nội khoa thì các liệu pháp vật lý trị liệu được đánh giá là mang lại hiệu quả điều trị rất cao với người bệnh liệt dây VII ngoại biên. Các phương pháp thường dùng bao gồm: điện châm, xoa bóp – bấm huyệt, thủy châm và uống thuốc sắc.

Liệt dây VII ngoại biên

Phẫu thuật:

Phẫu thuật thường không được khuyến khích sử dụng để điều trị liệt dây VII ngoại biên. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh lâu ngày, điều trị bằng những phương pháp khác không hồi phục, bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh lại các dât thần kinh mặt, giúp cải thiện về mặt thẩm mỹ cho người bệnh.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật