Đừng đánh mất “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ

Người bệnh đến cấp cứu kịp thời trong “Thời gian vàng” hay “Giờ vàng” có thể hồi phục nhanh chóng và hạn chế để lại di chứng về sau.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khuyết tật nặng nề, lâu dài đối với nhiều người. Thống kê tại Trung tâm đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, có tới hơn 75% người bệnh đến muộn khiến tỷ lệ tử vong còn cao. Tức là, sau khi bị đột quỵ thì hơn 6 tiếng sau mới đến cấp cứu trong khi giờ vàng là 3 đến 4,5 tiếng.

Làm thế nào người bệnh được cấp cứu một cách tốt nhất? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với Ths Bs Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ – một trong những chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phòng chống đột quỵ tại Phú Thọ để nghe ông tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người dân.

30032020 dot quy 1 800x450 1

Ths Bs Nguyễn Quang Ân – Giám đốc TT Đột quỵ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Người bệnh hỏi: Thưa bác sĩ, có rất nhiều người chưa thực sự hiểu về đột quỵ và khi bị đột quỵ, họ không biết xử trí kịp thời nên có thể bỏ lỡ mất “giờ vàng” trong chữa trị và để lại di chứng rất nặng về sau này. Vậy bác sĩ cho biết nên xử lý thế nào khi người bệnh bị đột quỵ?

Ths Bs Nguyễn Quang Ân: Khi một người bệnh đang khỏe mạnh bình thường mà đột ngột xuất hiện 1 trong 6 biểu hiện như sau: đột ngột mất thị lực, đặc biệt là xuất hiện ở một bên mắt; chân, tay bị tê hoặc yếu rã rời; nói ngọng bất thường, môi lưỡi cứng đơ; xây xẩm, choáng váng; mất ý thức hoặc đau đầu dữ dội thì chúng ta nên nghi ngờ người bệnh đó khả năng bị đột quỵ não cấp. Khi đó, gia đình cần nhanh chóng đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột quỵ, để được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Cùng với việc đưa người bệnh tới các cơ sở y tế chuyên sâu gần nhất, người người bệnh cũng cần biết một số thao tác sơ cứu ban đầu trong khi chờ được di chuyển. Chẳng hạn như để người bệnh nằm nghỉ ngơi, tốt nhất là đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để phòng khi người bệnh nôn, tránh bị sặc ở phổi.

Thứ hai, không nên cho người bệnh dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi người bệnh có thể sặc và gây suy hô hấp cấp. Lưu ý, chúng ta không dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho người bệnh như: đánh gió hoặc trích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc là cho sử dụng một số loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Chính những điều đó gây bất lợi cho người bệnh vì nó làm mất đi “giờ vàng” để cấp cứu người bệnh. Điều quan trọng nhất, chúng ta phải nhanh chóng gọi phương tiện hoặc xe cấp cứu 115 để đưa người bệnh vào viện. Đó là cách xử trí ban đầu tốt nhất cho người bệnh đột quỵ não cấp.

30032020 dot quy 2 566x800 1

Một số dấu hiệu thường gặp của người bệnh đột quỵ

Người dân hỏi: Thưa bác sĩ, như bác sĩ đã đề cập ở trên là nên cho người bệnh vào viện sớm nhất có thể để được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết nếu có chỉ định. Vậy, xin bác sĩ cho biết về tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết này?

Ths Bs Nguyễn Quang Ân: Thuốc tiêu sợi huyết đã được sử dụng trên thế giới từ đầu những năm 2000 và ở Việt Nam áp dụng từ năm 2007 đến nay. Loại thuốc này chỉ dành cho những người bệnh bị tắc mạch máu não. Khi trong động mạch não có cục máu đông (cục máu đông do hình thành tại chỗ trong động mạch não hoặc từ tim bắn lên) sẽ làm cho động mạch trong não bị tắc, ngay lập tức làm giảm lưu thông máu, gây ra tổn thương não tương ứng. Khi thuốc tiêu sợi huyết được đưa vào bằng đường tĩnh mạch, nó sẽ làm tan cục máu đông, khai thông dòng máu và cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu máu. Chính vì thế, việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt vì khi đó, cục máu còn chưa kịp bám chắc vào thành mạch thì hiệu quả sử dụng thuốc sẽ cao hơn, khả năng hồi phục sau điều trị sẽ thành công hơn.

Cho đến nay, qua các công trình nghiên cứu quốc tế cũng như các đề tài nghiên cứu cấp Bộ về việc sử dụng loại thuốc này đều cho thấy, thuốc tiêu sợi huyết mang lại hiệu quả rất tốt đối với những người bệnh được điều trị trong “giờ vàng”. Có tới gần 50% người bệnh được điều trị bằng loại thuốc này đã hồi phục gần như hoàn toàn, khả năng bị tàn phế đã giảm tới gần 50%.

Hiện tại, loại thuốc này đã được Bộ Y tế nhập về, và có trong danh mục bảo hiểm y tế. Những người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền thuốc.

Người bệnh hỏi: Thưa bác sĩ, “giờ vàng” được nhắc đến ở đây là gì và nếu người bệnh bỏ lỡ, đánh mất “giờ vàng” thì hướng điều trị sẽ thế nào?

Ths Bs Nguyễn Quang Ân: Như đã nói ở trên, điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là một trong những biện pháp tối ưu cho người bệnh đột quỵ, để sử dụng hiệu quả loại thuốc này, một trong những tiêu chí quan trọng nhất là người bệnh phải đến Bệnh viện thật sớm trong vòng 3 đến 4,5 giờ sau khi khởi phát đột quỵ. Đó cũng chính là “giờ vàng” mà chúng tôi muốn khuyến cáo tới người dân.

Nếu người bệnh đã bỏ qua “giờ vàng” sẽ không tận dụng được các phương pháp điều trị đặc hiệu. Trong trường hợp này, các biện pháp can thiệp tối ưu nhất cho người bệnh bị đột quỵ cấp thường trong vòng 9 tiếng đồng hồ sau khởi phát và khả năng hồi phục của người bệnh sẽ rất kém và có thể sẽ để lại di chứng nặng nề. Người bệnh sẽ được điều trị theo một hướng dẫn chung về phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

30032020 dot quy 3 800x533 1

Người bệnh bình phục hoàn toàn nhờ cấp cứu trong “giờ vàng” tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Người bệnh hỏi: Vì “giờ vàng” đối với người bệnh đột quỵ rất quan trọng. Vậy, việc điều trị bệnh Đột quỵ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được tiến hành như thế nào cho kịp thời?

Ths Bs Nguyễn Quang Ân: Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cụ thể là tại Trung tâm Đột quỵ, chúng tôi luôn đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh Đột quỵ cho mọi người biết để khi người thân bị đột quỵ não thì phải nhanh chóng đưa vào Trung tâm Đột quỵ. Ngoài ra, chúng tôi đã đào tạo và kết nối mạng lưới cấp cứu đột quỵ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng như các tỉnh lân cận để khi có người bệnh nghi ngờ đột quỵ thì ngay lập tức kết nối thông tin với Trung tâm Đột quỵ để chuẩn bị tiếp nhận người bệnh đột quỵ một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Khi người bệnh vào Trung tâm Đột quỵ, các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo chuyên sâu về đột quỵ sẽ nhanh chóng có những nhận biết sớm tình trạng người bệnh để xử lý sớm nhất. Chúng tôi thực hiện quy trình để đánh giá, xét nghiệm, chụp hình ảnh cho người bệnh, để làm sao đánh giá tình trạng người bệnh một cách nhanh nhất, chính xác nhất, đưa ra chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Quy trình này được thực hiện từ lúc người bệnh vào viện đến lúc dùng thuốc chỉ khoảng 35 – 40 phút.

Ngoài ra, từ tháng 6/2019, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chính thức ứng dụng Trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. RAPID hỗ trợ các bác sĩ trong việc tìm ra các vùng tổn thương ở người bệnh nhờ đó đưa ra các quyết định điều trị phù hợp, kịp thời, tăng khả năng cứu sống người bệnh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán không hoàn toàn quyết định hiệu quả điều trị cũng như thay thế được vai trò của bác sĩ. Vì vậy, chúng ta cần phải giáo dục cho cộng đồng cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ ban đầu cũng như “giờ vàng” đột quỵ để kịp thời cứu chữa cho người bệnh.

Khi có các dấu hiệu đột quỵ, nếu đang ở địa bàn Phú Thọ hoặc lân cận, hãy nhanh chóng chuyển người bệnh đến Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mà không cần thông qua tuyến huyện.

(Trừ trường hợp tình trạng quá nặng cần cấp cứu rồi mới chuyển tuyến)

Liên hệ

Trung tâm Đột quỵ – Tầng 9 – Nhà F – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Số điện thoại: 0210.655.2288 – Facebook.com/DotquyPhuTho/

Huy Quang

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật