Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.
Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ các chuyên gia khuyến cáo
– Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
– Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
– Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
– Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày.
– Uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
– Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đặc biệt đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên:
– Bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
– Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy.
– Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
– Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc.
– Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương
TS.BS Đào Việt Phương – Phó giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2 như sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn.
“Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn”- TS.BS. Đào Việt Phương nhấn mạnh.
Theo bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu.
Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là:
- Rối loạn ý thức;
- Méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được,
- Đột ngột mất thị lực;
- Liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn;
- Chóng mặt bất thườngđau đầu dữ dội.
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.
Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các vùng lân cận, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não (VD: ý thức giảm đột ngột, nói ngọng, méo miệng, tê bì hoặc yếu một bên cơ thể, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu, chóng mặt dữ dội….), người thân hãy gọi ngay đến Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ với đường dây nóng: 0210.655.2288 để được hướng dẫn sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm và kịp thời nhất.
Nguồn: SKĐS