Ngày 14/7/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cùng 6 điểm cầu thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh khác tham dự hội thảo trực tuyến “Ứng dụng xu hướng sử dụng kháng kết tập tiểu cầu trên người bệnh bệnh động mạch vành vào thực tế lâm sàng tại Việt Nam”.
Chương trình được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn giữa các chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội với các đồng nghiệp tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS.BS Nguyễn Sinh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ThS.BS Nguyễn Thị Thoa – Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh; với sự tham dự của các bác sĩ, học viên Bệnh viện Tim Hà Nội, các điểm cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ…
Tại buổi hội thảo, Bệnh viện Tim Hà Nội đã đưa ra chiến lược giảm nguy cơ xuất huyết cho người bệnh hội chứng vành cấp: Xuống thang kháng kết tập tiểu cầu kép.
BSCKII Ngô Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã báo cáo về chiến lược giảm nguy cơ xuất huyết cho người bệnh hội chứng vành cấp: Rút ngắn kháng kết tập tiểu cầu kép và so sánh giữa 2 chiến lược trên.
Mỗi bài báo cáo đều được thảo luận rất sôi nổi, từ đó giúp các bác sĩ cập nhật được thêm nhiều kiến thức trong điều trị các bệnh lý tim mạch.
Thuốc kháng kết tập tiểu cầu là gì?
Thuốc kháng tiểu cầu có tác dụng ngăn chặn các tiểu cầu trong máu kết dính với nhau và hình thành cục máu đông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Ngoài ra, thuốc cũng giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông xung quanh stent, van tim nhân tạo và các thiết bị khác được đặt trong tim hoặc mạch máu.
Nhóm thuốc này thường được chia thành 2 loại là dạng uống và dạng tiêm. Các thuốc kháng kết tập tiểu cầu dạng uống bao gồm aspirin, clopidogrel, ticagrelor, prasugrel … Các thuốc dạng tiêm như tirofiban và eptifibatide chỉ được dùng trong giai đoạn cấp tính của hội chứng mạch vành cấp.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ