Bệnh rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người trưởng thành với tỷ lệ mắc từ 2-4%. Khoảng gần 10% người trên 80 tuổi mắc. Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng theo tuổi, tăng gấp 10 lần ở nhóm trên 65 tuổi.
Khi bị rung nhĩ, hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” nên bơm máu của tim không hiệu quả.
Rung nhĩ là gì?
Là bệnh lý rối loạn nhịp tim xuất phát từ tâm nhĩ khi các hoạt động điện đồng bộ bị thay thế bằng các hoạt động điện hỗn loạn, dẫn đến sự co bóp mất đồng bộ và làm giãn tâm nhĩ. Xung động điện hình thành rất nhanh và không đều.
Các nguyên nhân thường gặp
- Bệnh van tim hậu thấp như: hẹp, hở van hai lá; hẹp, hở van động mạch chủ…
- Suy tim.
- Bệnh động mạch vành và các bệnh lý liên quan xơ vữa động mạch.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Bệnh cơ tim, viêm cơ tim…
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Bệnh lý tuyến giáp.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Ngừng thở khi ngủ.
Triệu chứng thường gặp của bệnh rung nhĩ
Người mắc bệnh rung nhĩ thường có một số triệu chứng như: cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh và không đều, cảm giác mệt và hụt hơi. Trong những trường hợp nhịp tim nhanh có thể có biểu hiện choáng, thỉu,…
Một số ít trường hợp bệnh biểu hiện đầu tiên bằng các biến chứng như đột quỵ não, suy tim, tắc mạch hệ thống.
Chẩn đoán rung nhĩ
- Chẩn đoán bằng điện tâm đồ bề mặt.
- Có thể được phát hiện nhờ các thiết bị di động theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian dài như Holter điện tâm đồ, event recorder…
- Siêu âm tim: Phát hiện bệnh tim cấu trúc gây ra rung nhĩ.
- Xét nghiệm máu: Bệnh lý tuyến giáp hoặc các nguyên nhân khác gây ra rung nhĩ,…
Biến chứng của rung nhĩ
Biến chứng hay gặp nhất của rung nhĩ là tắc mạch, bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ tắc mạch cao gấp 5-7 lần bình thường.
Rung nhĩ nhanh làm giảm cung lượng tim, làm tăng gánh nặng cho tim, khiến bệnh nhân suy tim nặng hơn.
Điều trị rung nhĩ
Quá trình điều trị bệnh cần phải đảm bảo tuân thủ đúng phác đồ và quy trình theo dõi của bác sĩ. Mục tiêu điều trị hướng tới 3 vấn đề chính :
- Điều trị dự phòng đột quỵ do tắc mạch bằng các thuốc chống đông nếu cần, hiện nay có hai loại chống đông chính: Kháng vitamin K và kháng đông trực tiếp (NOAC). Thuốc kháng đông có tác dụng chống huyết khối nhưng cũng đồng thời với nguy cơ chảy máu nên việc sử dụng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sỹ.
- Điều trị giảm triệu chứng bằng các thuốc hoặc các phương pháp kiểm soát tần số thất và chuyển nhịp.
- Điều trị các bệnh lý đi kèm.
Dự phòng rung nhĩ
Để dự phòng rung nhĩ, cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa (thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật…); ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…
– Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý.
– Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.
– Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.
– Hạn chế rượu bia.
Người bệnh rung nhĩ có thể gặp nhiều biến chứng tim mạch nặng nề nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, đúng cách. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ, hoặc thăm khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hotline: 1800.888.989