Dù mới đầu mùa hè nhưng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh bị sốt xuất huyết. Đáng lo ngại là trong đó có nhiều người còn chưa nắm được các dấu hiệu bệnh nên chưa chủ động theo dõi phát hiện bệnh kịp thời.
Người bệnh N.T.M.D (42 tuổi) bị sốt xuất huyết nhưng không biết, chỉ vào viện sau khi sốt liên tục suốt 4 ngày trong tình trạng sốt cao 40 – 410C, mệt mỏi, rải rác ban xuất huyết nhỏ lấm tấm như đinh ghim 2 cổ chân.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm (bạch cầu 2 G/L, tiểu cầu 106 G/L), men gan tăng nhẹ (SGOT 45,2 U/l). Người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị sốt xuất huyết theo phác đồ của Bộ Y Tế.
Ban xuất huyết trên cổ chân người bệnh
Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tình trạng người bệnh đã ổn định, hết sốt, các chỉ số xét nghiệm đã trở lại bình thường. Người bệnh được chỉ định cho ra viện.
BSCKI. Nguyễn Thị Thúy Liên thăm khám cho người bệnh sốt xuất huyết
BSCKI. Nguyễn Thị Thúy Liên – Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, người bệnh D là một trong số rất nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nhưng không nhận biết từ sớm do các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn nhẹ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt thông thường khác. Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi có sốt nên đến các cơ sở y tế khám để điều trị đúng và kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Các giai đoạn và biểu hiện của sốt xuất huyết
Giai đoạn sốt
Trong giai đoạn này, người bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện:
- Sốt cao đột ngột, liên tục
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn
- Da xung huyết
- Đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt
- Thường có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, hoặc chảy máu mũi…
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi phát bệnh.
Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt nhưng có các biểu hiện: Đau bụng vùng gan, vật vã, li bì, nôn ói.
Người bệnh có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch: tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu tình hình tiến triển nặng sẽ có biểu hiện sốc: vật vã, bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, da lạnh, nổi vân tím, tiểu ít.
Các dấu hiệu sốt xuất huyết
Các biểu hiện của xuất huyết:
- Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải hoặc chấm xuất huyết rải rác trên da.
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, ra máu âm đạo, tiểu máu…
- Xuất huyết nặng: Chảy máu mũi nặng, xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết tiêu hoá nặng, xuất huyết nội tạng kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxi, toan chuyển hoá có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Rối loạn tri giác; viêm cơ tim, suy tim…
Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn phục hồi của người bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 sau khi phát bệnh.
Biểu hiện là người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều; có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.
8 trường hợp sốt xuất huyết cần nhập viện
- Người bệnh sống một mình
- Nhà người bệnh ở xa cơ sở y tế
- Gia đình người bệnh sốt xuất huyết không có khả năng theo dõi sát
- Trẻ sơ sinh, còn bú sữa
- Người thừa cân, béo phì
- Phụ nữ có thai
- Người trên 60 tuổi
- Người có bệnh mãn tính đi kèm: Tim, gan, thận, COPD, hen phế quản, đái tháo đường, tan máu…
Người bệnh sốt xuất huyết thuộc những trường hợp trên cần được đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Căn cứ vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ có những tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Người bệnh cần tư vấn về bệnh sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung xin vui lòng liên hệ:
Khoa Bệnh nhiệt đới: 0975 010 566
Tổng đài chăm sóc khách hàng (Miễn phí): 1800 888 989