Nhắc đến điều trị ung thư, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới phẫu thuật, hóa trị, hay xạ trị. Nhưng chúng ta đang quên mất một yếu tố có thể quyết định đến cơ hội chiến thắng ung thư, đó chính là liệu pháp tâm lý.
Người bệnh ung thư cần học cách chiến đấu với ” Bản án tử”
Chia sẻ với chúng tôi về căn bệnh này, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh – Trưởng đơn vị Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ tại Trung tâm Ung bướu cho biết, Ung thư hiện nay đang là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam, bởi giờ đây nó đã phổ biến đến mức bất cứ ai ở thành thị hay nông thôn, nếu không phải là bản thân mình, đều có ít nhất một người thân quen mắc ung thư nhưng bác sĩ khẳng định ung thư không phải “Bản án tử”, tinh thần chiến đấu với bệnh tật và sức khỏe tinh thần của người bệnh có vai trò hết sức quan trọng đến kết quả điều trị.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 110.000 trường hợp bị mắc ung thư mới với tỉ lệ tử vong lên tới hơn 73%do hầu hết người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn nên việc chữa trị gần như không hiệu quả .Vào những năm 1960, bệnh nhân ung thư chỉ lác đác nhưng từ năm 2006 số người mắc ung thư ngày càng gia tăng và vẫn tiếp tục nhân lên tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của bộ y tế, mỗi năm ở nước ta có khoảng 110.000 ca ung thư mới và đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Trong đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất với gần 88%, kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm khoảng 50%…
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh chia sẻ, chữa trị căn bệnh ung thư cần phải kết hợp nhiều phương pháp để đem lại hiệu quả cho người bệnh. Việc lựa chọn phương pháp điều trị rất quan trọng đến kết quả điều trị, ngoài ra có những yếu tố đưa đến sự thành công như thể trạng, tâm lý người bệnh và sự chăm sóc của gia đình cả về tinh thần, dinh dưỡng,….
Khi điều trị cho người bệnh ung thư, không chỉ bác sĩ mà các điều dưỡng viên cũng góp phần rất lớn đến tỉ lệ điều trị thành công của người bệnh. Điều dưỡng viên là những người gần gũi và theo dõi chi tiết nhất về tình trạng sức khỏe, đồng thời cùng với bác sĩ, họ cũng là chuyên gia định hướng, tư vấn về tinh thần cho người bệnh. Họ nắm vững những tâm lý khác nhau của từng người bệnh trong mỗi giai đoạn, để giải thích cho người bệnh và người thân của họ hiểu hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại giúp họ có những chuẩn bị tích cực về mặt tâm lý, sẵn sàng bước vào cuộc chiến với ung thư.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Xuân Vĩnh – Trưởng đơn vị Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ hỏi thăm
động viên người bệnh
Hơn ai hết tập thể các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ không chỉ tận tình trong việc khám, điều trị cho người bệnh mà còn rất quan tâm đem đến những liều thuốc tinh thần giúp người bệnh và người nhà người bệnh luôn có tinh thần lạc quan nhất trong cuộc chiến với bệnh tật.
Theo một khảo sát gần đây, khoảng 85% người bệnh ung thư có biểu hiện trầm cảm khi mắc bệnh. Và ngay cả những chuyên gia hàng đầu cũng phải thừa nhận rằng, nếu người bệnh trong tình trạng trầm cảm thì tế bào ác tính sẽ có cơ hội phát triển và nguy cơ tử vong cao hơn.
Việc tìm hiểu đặc điểm tâm lý của người bệnh ung thư có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về những khó khăn mà người bệnh ung thư trải qua mà còn là cơ sở quan trọng để chúng ta có những can thiệp hợp lý và kịp thời về mặt tâm lý, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cũng như mang lại sự thoải mái về mặt tinh thần cho người bệnh ung thư. Sự quyết tâm đấu tranh giành lại sự sống, bỏ qua lối suy nghĩ cũ mòn về ung thư gắn liền với “bản án tử” sẽ khiến cho người bệnh tìm lại chính mình và sống tích cực hơn, ý nghĩa hơn.
Một số hình ảnh thăm hỏi, động viên chăm sóc người bệnh của bác sĩ và điều dưỡng tại Trung tâm Ung bướu:
Mai Thủy