Chấn thương lách trong chấn thương bụng kín

Chấn thương lách

Tổng quan

Giải phẫu: Lách nằm ở vị trí góc phần tư phía bên trái của cơ thể người, có chức năng quan trọng giúp cơ thể chống nhiễm trùng và lọc các tế bào máu cũ.

spleen abdomen 5a7f1cfdc6733500370078d0
                                                                       Hình ảnh vị trí Lách trên cơ thể người

Chấn thương lách là tình trạng thường gặp trong các ca chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông, tai nạn lao động ,tai nạn sinh hoạt. Vỡ lách thường gây chảy máu trong ổ bụng, mức độ chảy máu tùy thuộc vào cơ chế chấn thương và độ vỡ nặng nhẹ có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Triệu chứng vỡ lách trong chấn thương bụng kín

Vỡ lách dù ở mức độ nào cũng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Bác sĩ có thể dựa trên một số dấu hiệu lâm sàng sau:

– Bệnh nhân cảm thấy đau ở bên trái bụng, mức độ đau còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, lúc đầu đau tại vị trí tổn thương, sau lan khắp bụng, đau tăng dần.

– Đau vai trái do vị trí lá lách vỡ gây kích thích các dây thần kinh

–  Lách vỡ gây chảy máu bên trong, dẫn đến tình trạng  tụt huyết áp làm bệnh nhân có triệu chứng: khó thở, bồn chồn, lo lắng, xanh xao, choáng váng, nhìn mờ, ngất xỉu…

Chẩn đoán vỡ lách trong chấn thương bụng kín

Để bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định vỡ lách thì cần làm thêm một số cận lâm sàng:

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch là phương pháp giá trị nhất trong chấn đoán vỡ lách. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được sử dụng nếu người bệnh không ở trong trạng thái nguy hiểm vì thời gian tiến hành khá lâu. Ngoài ra không sử dụng cách này đối với bệnh nhân bị dị ứng chất cản quang.

Siêu âm ổ bụng

Là một thăm dò không xâm lấn, không gây nguy hiểm cho người bệnh, dễ thực hiện, giá trị chẩn đoán cao. Giúp đánh giá tình trạng vỡ lách, lượng dịch máu trong ổ bụng nếu có

Chọc dò ổ bụng

Đây là phương pháp xác định nhanh chảy máu trong ổ bụng, thường áp dụng trong những trường hợp chảy máu nhiều ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân.

Chụp MRI

Dùng cho bệnh nhân bị suy thận hoặc bị dị ứng chất cản quang, không thể chụp cắt lớp vi tính có tiêm chất cản quang.

Phân độ vỡ lách

Theo Hội phẫu thuật chấn thương Mỹ (AAST), vỡ lách trong chấn thương bụng kín được chia ra thành 5 cấp độ khác nhau:

Độ I: Tụ máu dưới bao < 10% diện tích bề mặt,  rách nhu mô sâu < 1cm,  rách bao lách.

Độ II: Tụ máu dưới bao 10- 50% diện tích bề mặt, tụ máu trong nhu mô < 5cm, rách nhu mô sâu 1-3 cm.

Độ III: Tụ máu dưới bao > 50% diện tích bề mặt,  vỡ dưới bao hoặc tụ máu trong nhu mô > 5cm, rách nhu mô sâu > 3cm.

Độ IV: Bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu lách hay chảy máu hoạt động được giới hạn trong bao lách , rách nhu mô liên quan đến các nhánh mạch hay rốn lách gây giảm tưới máu > 25%.

Độ V: Lách vỡ nhiều mảnh, bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu lách hay chảy máu hoạt động vượt qua giới hạn của lách đến khoang phúc mạc.

Cách điều trị vỡ lách trong chấn thương bụng kín

Tùy vào từng mức độ vỡ lách và toàn trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất đối với bệnh nhân:

Điều trị bảo tồn

Các bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn ổn định, vỡ lách độ I, II, III, không kèm theo các chấn thương tạng khác trong cơ thể sẽ được theo dõi sinh hiệu, bất động tại giường, lượng nước tiểu, truyền dịch, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu. Một số trường hợp có thể thực hiện can thiệp qua điện quang để cầm máu.

Điều trị phẫu thuật

  • Thường đối với vỡ láchcấp độ IV, V hoặc các trường hợp vỡ lách gây xuất huyết nội quan trọng, bệnh nhân có biểu hiện sinh tồn không ổn định sẽ được phẫu thuật cắt lách toàn bộ hoặc bán phần. Trước đây phẫu thuật này thường được thực hiện qua mổ mở với đường mổ dài, bệnh nhân có nhiều nguy cơ như nhiễm trùng vết mổ, đau sau mổ, thời gian nằm viện kéo dài..vv. Gần đây, tại bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Thọ, chúng tôi đã thực hiện được 1 trường hợp phẫu thuật cắt lách do chấn thương qua nội soi ổ bụng, bệnh nhân diễn biến sau mổ ổn định, vết mổ nhỏ, thẩm mỹ và ra viện sớm sau 5 ngày.

Bệnh nhân L. M. H, 16 tuổi, địa chỉ tại Xuân Lũng- Lâm Thao – Phú Thọ, bị tai nạn giao thông vô lăng xe máy đập vào bụng, sau tai nạn được đưa vào sơ cứu tại TTYT huyện Lâm Thao sau đó chuyển Bệnh viện tỉnh trong tình trạng:
tỉnh táo, huyết động ổn định.

  • Da niêm mạc nhợt
  • Xây xước da vùng mạn sườn T
  • Bụng chướng, nắn đau khắp bụng, có cảm ứng phúc mạc, gõ đục vùng thấp.
  • Xét nghiệm: Hồng cầu giảm 2,5 T/l, Hb: 87 g/l Hct: 25 %
  • CLVT: hình ảnh vỡ lách độ IV, nhiều dịch máu ổ bụng
  • Siêu âm: Cực trên lách có vùng tổn thương kích thước 6,8 * 3,9 cm, ổ bụng có nhiều dịch không đồng nhất chứa tổ chức tăng âm, chỗ dầy nhất 9,5 cm
  • Bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, truyền dịch, máu, hội chẩn ngoại khoa, được chẩn đoán: Chấn thương bụng kín,vỡ lách độ IV do tai nạn giao thông

Sau đó bệnh nhân đã được chỉ định mổ cấp cứu cắt bỏ lách

Một số hình ảnh trong mổ
Một số hình ảnh trong mổ
Figure 1: Hình ảnh lách vỡ cực trên
Figure 1: Hình ảnh lách vỡ cực trên

 

Picture9
Figure 2: Hình ảnh dịch máu tự do ở trên gan
Picture10
Figure 3: Vết mổ của bệnh nhân
  • Bệnh nhân sau mổ diễn biến ổn định, ít đau, có thể tập vận động sớm và ra viện sau 5 ngày điều trị.
  • Đây là một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, mang lại hiệu quả tốt, đặc biệt là về thẩm mỹ, tuy nhiên cũng có hạn chế là không áp dụng được khi bệnh nhân có sốc, huyết động không ổn định .

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật