Bệnh giun đũa chó mèo gặp ở những người nhiễm phải trứng giun đũa chó hoặc ăn thịt của vật chủ có chứa ấu trùng. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và nông dân. Đặc biệt là trẻ nhỏ có thói quen cầm nắm đồ ăn ở nền đất đưa vào miệng. Đồ ăn này có thể ở mặt đất bị ô nhiễm bởi phân của chó, mèo hoặc động vật khác mang ký sinh trùng.
Nguyên nhân gây bệnh giun đũa chó mèo là gì ?
Toxocariasis là bệnh ký sinh trùng gây ra bởi ấu trùng của hai loài Toxocara giun tròn: Toxocara canis từ chó và ít phổ biến hơn là Toxocara cati từ mèo, hay ổ chứa trứng giun trưởng thành trong đất và gây bệnh cho một số loài động vật, nước nhiễm phân chó mèo.
Con người có thể vô tình ăn phải trứng giun do ăn đồ sống được trồng lấy từ đất bị ô nhiễm bởi phân động vật nhiễm bệnh hoặc có thể ăn các động vật bị nhiễm chưa nấu chín. Trứng giun nở trong ruột người, ấu trùng xâm nhập vào thành ruột và có thể di chuyển qua gan, phổi, thần kinh trung ương, mắt, hoặc các mô khác gây ra biểu hiện lâm sàng.
Làm sao để biết mình mắc bệnh giun đũa chó mèo?
Hầu hết những người bị nhiễm Toxocara không có bất kỳ triệu chứng nào nên dễ bị bỏ qua. Một số bệnh nhân có biểu hiện sẩn ngứa ngoài da nên dễ nhầm lẫn với bệnh lý các chuyên khoa khác.
Có hai thể bệnh: Bệnh giun đũa chó mèo nội tạng, hay còn được gọi là thể ấu trùng di chuyển nội tạng (VLM – visceral larva migrans) và bệnh giun đũa chó mèo ở mắt, còn được gọi là thể ấu trùng di chuyển ở mắt (OLM – ocular larva migrans).
Làm sao để phòng ngừa và điều trị dứt điểm bệnh giun đũa chó mèo?
Việc chẩn đoán bệnh Toxocariasis cần dựa vào sự kết hợp giữa dịch tễ, biểu hiện lâm sàng và huyết thanh học:
Công thức máu: Tăng bạch cầu ái toan thường được ghi nhận ở những người bệnh nhiễm giun đũa chó mèo thể ấu trùng ký sinh nội tạng.
Xét nghiệm phát hiện nhiễm giun đũa chó mèo (ELISA) được dùng để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên ở người nhiễm giun đũa chó mèo thể ấu trùng ký sinh ở mắt hiệu giá kháng thể trong huyết thanh có thể thấp hoặc không phát hiện được.
CT hoặc MRI giúp phát hiện tổn thương tại các cơ quan như gan, phổi hay não.
Điều trị bệnh nhiễm giun đũa chó mèo
Người bệnh không có triệu chứng và có các triệu chứng nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc điều trị đặc hiệu.
Đối với người bệnh có triệu chứng từ vừa đến nặng thì cần kết hợp điều trị- Điều trị đặc hiệu: Albendazole hoặc mebendazole.
Điều trị triệu chứng: đặc hiệu và các thuốc kháng histamine,Corticoid.
Phòng ngừa bệnh nhiễm giun đũa chó mèo
Để phòng ngừa bệnh Toxocariasis, mọi người cần:
- Tẩy giun đều đặn cho chó và mèo.
- Tránh tiếp xúc với đất cát bẩn bị nhiễm phân động vật.
- Xử lý phân vật nuôi đúng cách.
- Vệ sinh môi trường sống, khu vui chơi của trẻ em, đặc biệt là khu vực có phân chó mèo.
Hình thành thói quen sinh hoạt tốt: Rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm đất cao như đất cát; rửa tay trước khi ăn; chỉ ăn thịt động vật đã được nấu chính
BS. Thanh Hương – Khoa Bệnh nhiệt đới
Nguồn bài viết :
Bệnh Toxocariasis – Phiên bản dành cho chuyên gia
https://vi.wikipedia.org/wiki/Toxocariasis