Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do 4 typ virus Dengue gây ra. Virus truyền từ người bệnh sang người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Trung gian truyền bệnh chính là muỗi Ades agypti. Bệnh lưu hành ở vùng nhiệt đới, chủ yếu ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong các nước có bệnh sốt xuất huyết lưu hành nặng.
Vật chủ trung gian truyền bệnh:
- Vật chủ trung gian truyền bệnh chính là muỗi Ades aegypti, ngoài ra muỗi Aedes albopictus cũng có khả năng truyền bệnh. Muỗi Aedes phân bố khắp mọi nơi, thường cư trú tại nơi ẩm thấp như bùn lầy nước đọng , lùm cây, ngọn cỏ.
- Muỗi cái Ades aegypti đốt chủ yếu vào buổi sáng sớm và chiều tối. Hút máu người bệnh xong muỗi cái có thể truyền ngay bệnh cho người lành nếu hút máu người lành. Ngoài da virus tiếp tục phát triển trong ống tiêu hóa và tuyến nước bọt của muỗi để chờ cơ hội tiếp tục truyền bệnh sang người lành khác.
- Muỗi Aedes đẻ trứng rồi nở thành bọ gậy ( cung quăng), bọ gậy thường cư trú tại chỗ nước đọng, các dụng cụ chứa nước của các gia đình, rãnh nước, ao hồ…
Mùa dịch:
Tại Việt Nam mùa dịch sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc thường bắt đầu tứ tháng 6-7 đạt đỉnh cao vào các tháng 8,9,10,11. Tại miền Nam dịch xuất hiện quanh năm từ tháng 4 tỉ lệ mắc tăng dần lên và đạt đỉnh vào các tháng 6,7,8.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết:
Thời gian ủ bệnh trung bình 3-15 ngày, chưa có triệu chứng
Bệnh có thể khởi phát sau khi ủ bệnh với các triệu chứng đa dạng: sốt , có thể sốt cao đột ngột 39-40 độ liên tục, chán ăn, buồn nôn, nhức đầu nhức 2 hố mắt, trẻ em có thể co giật do sốt cao. Da niêm mạc xung huyết, phát ban, hoặc có thể xuất huyết dưới da niêm mạc. Xét nghiệm thường bắt đầu thấy tiểu cầu và bạch cầu máu giảm.
Các dấu hiệu toàn phát thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh gồm : sốt cao hoặc giảm hơn giai đoạn trước, các triều chứng có vẻ thuyên giảm hơn. Có thể gặp các dấu hiệu của thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch như tràn dịch các màng ( màng bụng, màng phổi, mô kẽ, mi mắt…), nếu thoát huyết tương nặng sẽ gây tình trạng sốc với biểu hiện vật và bứt rứt, li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc kẹt hoặc không đo được. Giai đoạn này còn có thể gặp triệu chứng xuất huyết các dạng như: xuất huyết dưới da thành chấm, nốt,mảng, chảy máu niêm mạc mũi, lợi, đái máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong các tạng, xuất huyết trong cơ. Các triệu chứng khác: gan to, đôi khi có đau gan, suy các tạng như viêm gan nặng, suy thận cấp, viêm não, viêm cơ tim…
Sốt xuất huyết Dengue có 3 thể: sốt xuất huyết Dengue , Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng theo thứ tự từ nhẹ đến nặng hơn. Bệnh có thể tiến triển từ sốt xuất huyết Dengue sang sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốt xuất huyết Dengue nặng có sốc và suy đa tạng, trước khi chuyển giai đoạn nặng thường phát hiện ra một số dấu hiệu cảnh báo trước.
Các dấu hiệu cảnh báo:
– Vật vã, lừ đừ, li bì.
– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
– Gan to > 2cm.
– Nôn nhiều.
– Xuất huyết niêm mạc.
– Tiểu ít.
– Hematocrit tăng cao hoặc tăng nhanh.
– Số lượng tiểu cầu giảm nhanh.
Nếu tái nhiễm sốt xuất huyết từ lần thứ 2 trở đi bệnh có thể tiến triển nặng hơn lần đầu.
Người bệnh cần được đi khám phát hiện bệnh và có kế hoạch theo dõi bệnh tại nhà hoặc cơ sở y tế. Khi người bệnh xuất hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện theo dõi.
Phòng bệnh sốt xuất huyết:
- Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue
- Phòng bệnh chủ yếu là tiêu diệt và phòng chống muỗi Ades truyền bệnh:
- Các biện pháp làm sạch môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng
- Các biện pháp cá nhân: nằm màn, dùng hương muỗi, dùng bình xịt muỗi, các loại tinh đàu chống muỗi, kem chống muỗi, sử dụng quần áo chống muỗi… nhất là vào thời điểm dễ bị muỗi đốt là chiều tối và buổi sáng sớm.
Mọi thắc mắc cần tư vấn về bệnh sốt xuất huyết xin vui lòng liên hệ Khoa Bệnh nhiệt đới BVĐK tỉnh Phú Thọ: SĐT – 0975010566.