Bỏng Điện – 1 Số Điều Cần Biết

Bỏng điện là loại bỏng nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nếu điều trị khỏi cũng thường để lại di chứng nặng nề: Giảm hoặc mất chức năng vận động (93,6%), tàn phế (51,6%). Trong cuộc sống hiện đại bỏng điện có xu hướng gia tăng. Bỏng điện chiếm tỷ lệ 2 – 3,5%, tuy nhiên có thời kỳ tỷ lệ này tăng cao tới 10% – 13,2% số bệnh nhân bỏng vào điều trị.

Bỏng do điện năng phân làm 2 loại:

Bỏng do tia lửa điện. Tia lửa điện gây bỏng theo cơ chế nhiệt, gây bỏng do nhiệt độ rất cao: 3200°C – 4800°C trong thời gian thường rất ngắn (0,2 – 0,5 giây). 80% năng lượng là chùm tia hồng ngoại.

Hình 1. Trường hợp bỏng tia lửa điện điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ
Hình 1. Trường hợp bỏng tia lửa điện điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ

Bỏng tia lửa điện thường bỏng nông, bỏng các phần hở của cơ thể hướng về tia lửa điện. Tia lửa điện có thể gây cháy quần áo. Đặc điểm tổn thương như bỏng lửa.

Bỏng do dòng điện (bỏng điện) là tổn thương toàn thân và tại chỗ khi có dòng điện truyền qua cơ thể.

Cơ chế của bỏng điện: dòng điện khi dẫn truyền qua cơ thể gây rối loạn bệnh lý toàn thân và tại chỗ theo 2 cơ chế:

  • Tổn thương do năng lượng điện: Năng lượng điện khi truyền qua cơ thể chuyển thành nhiệt năng. Nhiệt năng sinh ra gây đông vón protein, hoại tử mô tế bào. Năng lượng giải phóng trên cơ thể càng lớn thì tổn thương mô càng nặng nề.
  • Hiệu ứng đục lỗ (electro- poration). Đây là tác dụng trực tiếp của dòng điện tới tế bào. Dòng điện đi trong mô cơ thể gây rối loạn điện thế màng tế bào, cưỡng bức vận chuyển qua màng theo tần số dòng điện. Màng tế bào với 2 lớp lipid không duy trì được cấu trúc khi điện thế chuyển dịch qua màng quá cao, dẫn tới sự hình thành các lỗ tổn thương màng tế bào. Nhạy cảm với loại tổn thương này là tế bào thần kinh, cơ hoặc cơ tim, hậu quả gây ngừng tim, co cơ và co giật. Tổn thương màng có thể hồi phục, sóng những tổn thương trầm trọng có thể gây thoái biến, hoại tử muộn các mô tế bào trên đường đi của dòng điện.
Hình 2. Trường hợp bỏng điện điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ
Hình 2. Trường hợp bỏng điện điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ

Khi có dòng điện truyền qua cơ thể, da là cơ quan đầu tiên bị tổn thương. Tiếp theo, dòng điện sẽ dẫn truyền theo những đường khác nhau (không nhìn thấy). Cần luôn biết điểm vào ra để đánh giá tổn thương.

Xử trí khi gặp trường hợp bỏng điện

  1. Cấp cứu khẩn cấp
  • Tìm mọi cách để tách nguồn điện ra khỏi cơ thể bằng cách ngắt cầu giao, tháo cầu chì, dùng que gỗ khô, que nhựa (không dẫn điện) gạt dây (vật) dẫn điện ra khỏi người bị nạn. Đưa ra vùng an toàn.
  • Ngay sau đó phải kiểm tra chức năng sống. Nếu có ngừng tim, tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực tại chỗ. Liên hệ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Nếu có điều kiện tiêm thuốc trợ tim, trợ hô hấp.
  • Tại chỗ tổn thương bỏng có thể đắp gạc, băng che phủ vết thương. Chỉ vận chuyển đi cơ sở y tế cấp cứu và xử trí vết thương khi đã khôi phục tuần hoàn và hô hấp.
  1. Điều trị tại cơ sở y tế
  • Điều trị sốc bỏng: cần phòng chống suy thận cấp. Bổ sung đủ dịch thể, lợi niệu, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương, nước tiểu, cân bằng kiềm toan, creatinin máu.
  • Phát hiện sớm và xử trí kịp thời các chấn thương phối hợp.
  • Đối với bỏng sâu độ V, cần rạch hoại tử để chẩn đoán và giải phóng chèn ép do nề sâu. Nếu điều kiện toàn thân cho phép: mổ cắt hoại tử càng sớm càng tốt. Những ngày tiếp theo có thể phải cắt lọc hoại tử nhiều lần khi có hoại tử thứ phát. Sau khi cắt sạch hoại tử, cần che phủ tổn thương bằng các vạt da có cuống hoặc ghép da
Hình 3. Hình ảnh tổn thương bỏng điện sau cắt lọc và chuyển vạt tại chỗ che phủ.
Hình 3. Hình ảnh tổn thương bỏng điện sau cắt lọc và chuyển vạt tại chỗ che phủ.
  • Khi vùng bỏng sâu lộ bó mạch hoặc đi qua vùng có bó mạch cần đề phòng chảy máu thứ phát bằng cách chủ động khâu vùi che phủ vùng mạch. Huấn luyện cấp cứu chảy máu, sẵn sàng các phương tiện như băng chèn, garo, cặp mạch. Khi có chảy máu: tiến hành garo sát phía trên tổn thương, sau đó tuỳ mạch máu có thể kẹp và buộc mạch hoặc mổ khâu thắt mạch, chú ý thắt xa tới vùng mô lành và khâu vùi để phòng chảy máu tại chỗ tiếp theo.
  • Nếu chi thể bị tổn thương quá nặng không thể giữ được hoặc hoại thư sinh hơi phát triển, cần chỉ định cắt cụt sớm chi thể. Phải hết sức tiết kiệm chiều dài chi thể khi cắt cụt. Không được khâu kín sau khi cắt.
  • Tập vận động sớm góp phần phục hồi chức năng.
  1. Dự phòng:

Bỏng điện là tai nạn sinh hoạt và lao động, có thể dự phòng nếu tôn trọng các quy tắc sử dụng dụng cụ điện, nội quy an toàn ở các cột, trạm biến thế của đường dây cao thế. Một số ví dụ:

Không cho các cháu nghịch ổ cắm, phích cắm điện, ổ cắm ngoài tầm tay với của các cháu. Không cho các cháu trèo lên cột điện cao thế, thả diều dưới đường dây điện cao thế. Không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. không xây nhà dựng cột ăng-ten dưới đường dây điện cao thế.

Cần tuyên truyền về hậu quả nặng nề của bỏng điện cũng như cách sơ cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

Bác sĩ Lê Hữu Sơn – Khoa Chấn thương II

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện