Chào BS!. Con trai em được 21 tháng tuổi. Nặng 12kg. Bé ăn được. Ban ngày chơi. Nhưng buổi tối lại ngủ không ngon giấc hay quấy khóc chướng vào đêm khuya. Hay trằn trọc tối 4-5 lần. Vậy BS cho biết con em bị gì. Mua gì để cháu có thể ăn ngon ngủ ngon? Cảm ơn BS!

Giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ tuyến tiền yên trong não của trẻ tiết ra hoóc môn tăng trưởng giúp trẻ tăng trưởng và phát triển.
Ở mỗi lứa tuổi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau:
– Trẻ sơ sinh thường là 20-22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt.
– Trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16-18 giờ mỗi ngày.
– Từ 1-2 tuổi ngủ 14-16 giờ
 – Từ 2-3 tuổi ngủ 12-14 giờ
 – Từ 3-6 tuổi ngủ 11-12 giờ… 
Nếu chu kỳ thức – ngủ ở não bị rối loạn do những nguyên nhân khác nhau sẽ gây ra rối loạn về giấc ngủ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc tình trạng này:
– Trẻ mắc các bệnh lý rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng, viêm tai giữa. Những bệnh lý này gây ra những khó chịu cho trẻ khi về đêm, ví dụ: ngạt tắc mũi, khô mũi, đau tai, đau bụng.
– Trẻ thiếu một số vi chất dinh dưỡng: thiếu sắt, calci, kẽm…
– Trẻ có chu trình thức ngủ không đều đặn, khiến giấc ngủ không được sâu. Thời gian cho trẻ đi ngủ không đều đặn, hôm sớm hôm muộn. Sinh hoạt trong ngày không đêu đặn, giờ ăn – chơi – ngủ thay đổi liên tục, không tạo thành được thói quen.

Để có thể cải thiện giấc ngủ của bé, bạn hãy thực hiện những việc sau:
– Khám và loại trừ những bệnh lý mạn tính như rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng, viêm tai giữa mà trẻ có, điều trị triệt để.
– Khám dinh dưỡng đánh giá trẻ có thiếu vi chất nào không và điều trị.

Thực hiện chu trình giấc ngủ của bé một cách đều đặn, bao gồm:
– Cho trẻ ngủ đúng giờ, ngủ sớm trước 21h.
– Trong cả một ngày, tập cho trẻ nếp ăn – chơi – ngủ đều đặn, tuần tự.
– Hạn chế tuyệt đối cho trẻ tiếp xúc với tivi, smartphone trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối.
– Thực hiện đều đặn hàng ngày những công việc vệ sinh cho bé trước khi cho bé ngủ, cho bé rửa chân tay, đánh răng, đóng bỉm rồi cho bé đi ngủ. Có thể tạo thói quen đọc sách, kể truyện cho bé trước khi ngủ. Để tạo thành 1 thói quen cho trẻ, cơ thể trẻ sẽ sẵn sàng cho việc đi ngủ và ngủ sâu hơn.
– Cho trẻ ngủ đủ giấc vào ban ngày nhưng không ngủ quá nhiều.
– Đảm bảo phòng ngủ, giường ngủ sạch sẽ, yên tĩnh, không có những mùi khó chịu.
– Nếu có điều kiện thực hiện, bạn có thể thực hiện chu trình chăm sóc giấc ngủ cho trẻ: tắm nước ấm, mát xa cho trẻ và cho trẻ tự đi vào giấc ngủ. Đây là một phương pháp mới nhưng để thực hiện được cần sự kiên trì cũng như tùy từng điều kiễn của mỗi gia đình.

Một số ít những trường hợp trẻ có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, máy giật cơ khi ngủ, các cử động chân tay có tính chu kỳ, cơn miên hành (mộng du), mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm… trong đó cơn miên hành hay cơn hoảng sợ ban đêm gặp khá phổ biến. Những trường hợp này gia đình sẽ theo dõi trẻ nếu có biểu hiện có thể cho trẻ khám chuyên khoa tâm bệnh.

Nói chung, rối loạn giấc ngủ ở trẻ là một vấn đề khá trừu tượng và khó chẩn đoán. Bạn nên cho em bé tới bệnh viện để khám và kiểm tra một cách tổng thể các xét nghiệm (xét nghiệm máu, điện não đồ,…), cũng như có điều kiện giải đáp cho bạn rõ hơn.
Khi xác định rõ nguyên nhân bạn mới nên sử dụng thuốc phù hợp với nguyên nhân đó.
 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật