Chia sẻ của Bác sĩ Phòng khám mắt theo yêu cầu về tật khúc xạ và cách chăm sóc mắt cho trẻ

Biết cách chăm sóc mắt và giữ gìn đôi mắt cho con là điều mà không phải cha mẹ nào cũng biết cách. Khi con bị Tật khúc xạ, cha mẹ thường rất sợ hãi, lo lắng, không muốn con đeo kính vì sợ tăng độ, sợ phụ thuộc vào kính. Cha mẹ thường tìm các thuốc uống để điều trị chứ không cho trẻ đeo kính.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung – Phòng khám mắt yêu cầu – Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao cho biết: Tật khúc xạ thường gặp ở trẻ em đó là cận thị, viễn thị, loạn thị.

* Cận thị: Là trường hợp nhìn xa mờ, nhìn gần rõ, thường gặp ở tuổi học đường.

* Viễn thị: Viễn thị có 2 dạng: viễn thị nhẹ thì nhìn xa rõ, nhìn gần mờ; viễn thị nặng thì nhìn cả xa lẫn gần đều mờ.

* Loạn thị: Là trường hợp ta luôn nhìn mờ cả xa lẫn gần kèm theo nhìn hình ảnh biến dạng (nhìn đường thẳng thấy không thẳng, nhìn hình tròn thành hình bầu dục hoặc méo mó không đều). Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị. Những dấu hiệu báo động có thể bị tật khúc xạ: xem tivi hay vật gì thì phải lại gần mới thấy, nhìn xa hay gần không rõ, nhìn hình ảnh biến dạng, hay nheo mắt khi nhìn, kết quả học tập, lao động giảm sút, dụi mắt khi nhìn, hay mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ khi đọc sách hay học tập, hay nghiêng đầu khi nhìn, lác mắt…

12082018 kxm 01

Khách hàng đến khám mắt tại Phòng khám mắt yêu cầu – Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Bác sĩ Nhung đưa ra một số lời khuyên: cha mẹ cần biết cách chăm sóc mắt cho con như: đảm bảo nơi làm việc đầy đủ ánh sáng,  ánh sáng dùng phục vụ cho con học thường có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng. Không nên chỉ dùng 1 đèn để đọc sách trong phòng tối. Nếu học ban đêm, ngoài ánh sáng phòng ta cần đèn bàn, đèn phải có chụp phản chiếu. Cha mẹ nên sử dụng kết hợp đèn điện bóng tròn và đèn ống. Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách, học và làm bài là chiếu sáng từ sau, từ trên xuống, nghịch với bên tay thuận.

12082018 kxm 02

Bé tự chọn mẫu kính cho mình tại Phòng khám mắt yêu cầu – Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Kích thước của bàn, ghế: phải phù hợp với chiều cao của từng trẻ để có thể nhìn đúng khoảng cách từ mắt đến tài liệu và không phải cúi đầu nhiều.

Tư thế ngồi đúng: ngồi thẳng lưng, 2 chân khép lại, 2 bàn chân để sát nền nhà, đầu hơi cúi khoảng 10– 150, không được cúi gầm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học, luôn để mắt xa sách vở 1 khoảng cách thích hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái hoặc ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ (trung bình khoảng 35cm).

Bên cạnh đó, yếu tố làm giảm mọi căng thẳng của mắt là hết sức quan trọng, cha mẹ không  nên để con sử dụng mắt quá lâu, nhất là đối với học sinh tiểu học và những em có thị lực kém. hạn chế thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, vi tính….

Ăn uống đầy đủ chất và hoạt động thể lực cũng là những yếu tố tác động tích cực giúp cho đôi mắt khỏe hơn, nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin A như gan, trứng, các loại rau có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ…và các loại rau có màu xanh đậm, tham gia hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi của các em.

Qua đây, Bác sĩ Nhung khuyến cáo: Tật khúc xạ cần được phát sớm, đeo kính đúng và sớm để tránh nhược thị, lác cho trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện như trên, cha mẹ cần cho con đi khám ở các cơ sở y tế uy tín, không nên tự ý cho con đến các cửa hàng bán kính để tự cắt kính.

Hoa Lê

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện