Thoái hóa khớp (THK) gối là nguyên nhân gây tàn tật cho người cao tuổi đứng thứ hai sau bệnh tim mạch. Bệnh khớp thường gặp ở người cao tuổi nhưng đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý tổn thương của toàn bộ các thành phần của khớp như sụn, xương dưới sụn, dây chằng, màng hoạt dịch, cơ cạnh khớp, trong đó tổn thương sụn là chủ yếu.
Hình ảnh khớp gối khỏe mạnh và khớp gối bị thoái hóa (Nguồn Internet)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra THK gối như:Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng nhiều;Giới tính và hormon (bệnh thường gặp ở nữ giới hơn nam giới có thể liên quan đến hormon estrogen);Mắc các loại bệnh viêm khớp; Thói quen sinh hoạt không hợp lý: thường xuyên hoạt động quá mức, thường ngồi xổm; Lạm dụng thuốc (đặc biệt là corticoid dẫn đến khớp gối bị thoái hóa, bào mòn rất nhanh); Béo phì (cơ thể quá cân, áp lực quá lớn lên khớp gối khiến sụn khớp nhanh hao mòn và thoái hóa); Người bị các chấn thương đầu gối, bị thiếu hụt Vitamin C, D hoặc có yếu tốcủa gen di truyền.
Những triệu chứng lâm sàng của bệnh THK gối mà người bệnh có thể gặp phải và tự nhận biết được như: Đau khớp một hoặc hai bên gối khi vận động, nếu bệnh nặng người bệnh có thể đau dai dẳng cả về ban đêm. Người bệnh còn có dấu hiệu “phá rỉ khớp” là hiện tượng cứng khớp thường gặp vào buổi sáng thức dậy hay lúc bắt đầu hoạt động sau khi nghỉ ngơi. Lạo xạo xương khi cử động là tiếng động bất thường tại khớp. Ngoài ra, khi được thăm khám có thể phát hiện những dấu hiệu như: bào gỗ dương tính do tổn thương sụn khớp đùi chè; tràn dịch khớp; hạn chế cử động gấp duỗi; teo cơ…
Theo chia sẻ của Thạc sỹ – Bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng (Phòng khám Cơ – Xương – Khớp – Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ): Thời gian gần đây, lượng người đến khám các bệnh lý liên quan đến cơ, xương, khớp ngày càng tăng, đặc biệt là số người có các dấu hiệu rõ rệt của bệnh thoái hóa khớp gối. Khi đến khám bệnh ngoàithăm khám lâm sàng, người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như: xétnghiệm máu, xét nghiệm dịch khớp, các phương pháp thăm dò hình ảnh như: chụp X – quang khớp gối, siêu âm khớp, chụp cắt lớp vi tính khớp gối, chụp cộng hưởng từ khớp gối…
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng siêu âm khớp gối cho người bệnh
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị THK gối, trong đó có thể kể đến các phương pháp mà người bệnh có thể không cần dùng thuốc như: giảm cân, vận động hợp lý, tập luyện phục hồi chức năng.Ngoài ra, người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau, chống viêm,một số thuốc chống THK có tác dụng chậm.Phương pháp điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như: Điều trị nội soi khớp (rửa khớp, loại bỏ các thành phần ngoại lai trong khớp…); Phẫu thuật thay khớp gối trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa và nội soi khớp không hiệu quả.
Những năm gần đây, với sự đầu tư về nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao đã triển khai và tự chủ áp dụng được rất nhiều các phương pháp hiện đại trong điều trị THK gối. Trong các phương pháp điều trị nội khoa thì phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp đem lại hiệu quả và an toàn cao.
Vậy huyết tương giàu tiểu cầu là gì? Có vai trò thế nào trong điều trị THK gối?
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP – Platetlet rich plasma) là một thể tích huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần mức cơ bản trong máu tĩnh mạch (cao gấp 2 – 8 lần mức trung bình). Trải qua quy trình tách chiết, huyết tương giàu tiểu cầu sau khi thu được sẽ được tiêm vào khớp gối của người bệnh. Trong huyết tương giàu tiểu cầu có nhiều loại protein đóng vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương, tổn thương như: PDGF, TGF, VEGF, EGF… vì vậy đem lại hiệu quả điều trị ưu việt hơn so với các phương pháp điều trị nội khoa khác. Do huyết tương giàu tiểu cầu tự thân được tách chiết trực tiếp từ máu của chính người bệnh nên rất an toàn và hầu như không có phản ứng phụ.
Bác sỹ Thắng chuẩn bị thực hiện quy trình tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng cũng đánh giá phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu mà Bệnh viện đang triển khai là phương pháp có nhiều ưu điểm như có khả năng giúp phục hồi tổn thương sụn khớp, giúp cải thiện triệu chứng tốt hơn các biện pháp cổ điển khác, duy trì hiệu quả kéo dài hơn, là phương pháp tin cậy để lựa chọn.
Để biết thông thông tin vui lòng liên hệ: Thạc sỹ – Bác sỹ Nguyễn Mạnh Thắng, Phòng khám Cơ – Xương – Khớp, tầng 2 – Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
SĐT: 0976.928.559, Email: thangyk07@gmail.com;
Hoặccó thể liên hệ tổng đài Chăm sóc khách hàng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
SĐT: 0210.6278.888
Tô Điệp