Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) là kỹ thuật sử dụng một cây kim nhỏ và rỗng đâm xuyên qua da vào tổn thương để lấy mẫu nhỏ các tế bào hoặc dịch từ một khối u hoặc một cơ quan dưới da, là một phương tiện cận lâm sàng xâm lấn tối thiểu, cho kết quả nhanh, giá thành phù hợp, có thể được thực hiện dễ dàng tại phòng khám. Kết quả và độ chính xác của FNA là khá cao trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý u và không u ở nhiều hệ cơ quan.
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ FNA – phương pháp xét nghiệm tối ưu cho các bệnh lý u và không u
-
Một số biến chứng có thể gặp
FNA được chỉ định rộng rãi nhưng hầu hết không gây biến chứng cho người bệnh. Một số biến chứng có thể gặp như:
- Đau tại vị trí chọc: thông thường, người bệnh có thể cảm thấy đau một chút trong một vài ngày sau khi được thực hiện thủ thuật này.
- Chảy máu: chảy máu, tụ máu tại vị trí chọc hút đây là một tai biến thường gặp nhất ở các tổn thương nông, có nhiều mạch máu. Tuy nhiên có thể tránh bằng cách đè chặt bông tại vị trí chọc hút trong 10 phút.
- Nhiễm trùng tại vị trí chọc hút là một tai biến hiếm gặp, được điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
- Tràn khí màng phổi, xuất huyết trong phổi là những tai biến gặp khi chọc hút tại một số vị trí đặc biệt như: hố trên đòn, hố nách hoặc xuyên thành ngực. Tuy nhiên thường nhẹ, có khả năng tự tiêu.
- Một số tai biến khác hiếm gặp như: viêm phúc mạc, viêm tụy,…
-
Những hạn chế của kỹ thuật FNA
- Kết quả và độ chính xác phụ thuộc vào chất lượng mẫu và cách phết lam.
- Nhiều tổn thương là không đồng nhất, vì thế những mẫu bệnh phẩm nhỏ được lấy qua FNA không mang tính đại diện cho toàn bộ tổn thương, ngay cả khi FNA được hướng dẫn bởi siêu âm.
- Một số tổn thương được nhận diện chủ yếu qua cấu trúc vi thể , tuy nhiên các cấu trúc này có thể không được thể hiện rõ qua tế bào học FNA.
- Mẫu bệnh phẩm FNA có thể không cho phép thực hiện được thêm nhiều phương tiện hỗ trợ chẩn đoán như đánh giá về mặt vi khuẩn, hóa mô miễn dịch…
-
Những lý do khiến việc lấy mẫu bệnh phẩm không mang tính đại diện cho tổn thương trong kỹ thuật FNA
- Chọc kim không đúng vào vị trí tổn thương (Hình B)
- Chọc kim vào vị trí trung tâm của những tổn thương dạng nang, hoại tử, xuất huyết, vì vậy mẫu bệnh phẩm không có các thành phần cần thiết cho chẩn đoán (Hình C)
- Vị trí chọc kim là phần tổn thương lành tính, bỏ sót các tổn thương ác tính có kích thước nhỏ (Hình D)
- Khi thực hiện FNA ở những mô sợi, lượng mẫu cần thiết có thể khó lấy được bởi các tế bào được giữ chặt trong mạng lưới các sợi collagen dày đặc (Hình E)
Những lý do khiến việc lấy mẫu FNA không đạt yêu cầu
Bs. Bùi Thị Hương – Khoa giải phẫu bệnh, tầng 10 nhà C, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.