Đái tháo nhạt là bệnh lý ít gặp, tỷ lệ mắc bệnh là 1:25000 người. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng chủ yếu gặp ở người lớn. Hiện tượng đái tháo nhạt cũng có thể thấy trong giai đoạn phụ nữ mang thai. Đây là bệnh gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.
1. Đái tháo nhạt là bệnh gì?
Đái tháo nhạt là một rối loạn cân bằng nước do mất nước tự do qua thận. Đái tháo nhạt là hậu quả hoặc do suy giảm bài xuất arginin vasopressin (cũng thường được gọi là hormoon chống bài niệu ADH ) từ thùy sau tuyến yên ( Đái tháo nhạt nguồn gốc trung ương) hoặc do thận không đáp ứng với arginin vasopressin ( Đái tháo nhạt nguồn gốc thận).
Thận của người bệnh không còn khả năng giữ nước, gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Vì vậy, người bệnh sẽ trở nên khát nước, muốn uống nhiều nước hơn, nước tiểu loãng hơn. Nếu bị đái tháo nhạt, người bệnh dễ rơi vào tình trạng mất nước. Khi đó, nồng độ Natri và Kali trong máu trở nên mất cân bằng, tăng cao.
2. Các dạng đái tháo nhạt?
Đái tháo nhạt có 2 dạng:
2.1 Đái tháo nhạt có nguồn gốc trung ương
Đái tháo nhạt do trung ương gặp phải khi vùng dưới đồi và tuyến yên bị tổn thương, làm giảm sản xuất và bài tiết ADH, giảm lượng ADH lưu hành trong máu. Vì ADH làm cho thận cô đặc nước tiểu nên nếu lượng ADH tiết ra ít hơn thì nước tiểu thải ra khỏi cơ thể sẽ nhiều và loãng hơn.
Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Chấn thương sọ não (có thể khỏi sau 6 tháng); Sau phẫu thuật; Khối u: U tuyến tùng, sọ hầu,..; Nhiễm trùng: Lao, giang mai, viêm não, nấm, viêm màng não; Bệnh lý u hạt; Bệnh lý mạch não; Vô căn: Đái tháo nhạt mang tính di truyền tản phát hoặc gia đình
2.2 Đái tháo nhạt có nguồn gốc thận
Trong các trường hợp đái tháo nhạt do thận, ADH vẫn được não bài tiết bình thường nhưng do thận kháng lại tác dụng của ADH. ADH không thể làm cho thận cô đặc nước tiểu, dẫn đến hiện tượng cơ thể thải ra lượng lớn nước tiểu bị pha loãng (đa niệu), người bệnh khát nước và uống nhiều nước hơn (chứng uống nhiều).
Đái tháo nhạt do thận rất hiếm gặp. Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm: Nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính; Sử dụng một số loại thuốc như Lithium với liều lượng rất cao; do di truyền (trường hợp này rất hiếm).
3. Triệu chứng đái tháo nhạt?
• Tiểu nhiều, 3 – 20 lít/ngày, có thể lên tới 40 lít/ngày
• Tiểu thường xuyên, thường cách nửa tiếng một lần trong cả ngày
• Thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu
• Cảm thấy khát dù uống nhiều nước, đặc biệt là nước lạnh
• Mất nước, nghiêm trọng hơn nếu người bệnh không uống đủ nước để bù vào lượng nước bị mất đi qua nước tiểu. Gây triệu chứng của mất nước gồm đau đầu, khô miệng lưỡi, khô da, chóng mặt, choáng, lơ mơ, bất tỉnh, chuột rút
• Mệt mỏi, giảm tập trung vì thiếu ngủ do phải thức dậy đi tiểu nhiều lần trong đêm
• Trẻ mắc đái tháo nhạt thường quấy khóc, khó dỗ, tiểu dầm vào ban đêm, tiểu không tự chủ vào ban ngày, chậm phát triển, chán ăn, mệt mỏi và thiếu cân.
4. Chẩn đoán bệnh đái tháo nhạt?
• Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh lý và phân biệt với một số bệnh khác gây đái nhiều
• Các xét nghiệm
– Natri máu bình thường hoặc tăng
– Tỉ trọng nước tiểu thấp < 1,006
– Áp lực thẩm thấu máu bình thường hoặc cao ( 290- 300 mosmol/kg )
– Áp lực thẩm thấu niệu thấp không tương xứng ( < 300mosmol/kg)
ALTT máu và niệu phải được đo cùng thời điểm.
– Nghiệm pháp hạn chế nước không đáp ứng.
• Cần chẩn đoán phân biệt đái tháo nhạt với các bệnh lý khác như Đái tháo đường, hội chứng cuồng uống hay do dùng các thuốc lợi tiểu thẩm thấu như manitol.
5. Điều trị bệnh đái tháo nhạt?
5.1 Điều trị đái tháo nhạt do trung ương
Điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh: Nếu nguyên nhân gây đái tháo nhạt do xuất hiện khối u tại vùng hạ đồi hay tuyến yên, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp:
• Kiểm soát lượng nước uống: Người bệnh mắc đái tháo nhạt nhẹ có thể uống đủ lượng nước để giải tỏa cơn khát và giữ nồng độ điện giải trong máu ổn định, kết hợp với theo dõi nồng độ điện giải trong máu
• Sử dụng Desmopressin: Có tác dụng tương tự như ADH, dùng qua đường nhỏ, xịt mũi hoặc đường uống, dùng 1 – 3 lần/ngày theo liều lượng mà bác sĩ chỉ định.
Các trường hợp đái tháo nhạt do chấn thương đầu hay phẫu thuật não chỉ cần điều trị trong vài tuần. Đối với những nguyên nhân khác, việc điều trị đái tháo nhạt có thể kéo dài đến suốt đời.
5.2 Điều trị đái tháo nhạt do thận
• Người bệnh đái tháo nhạt do thận mức độ nhẹ có thể uống thật nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Bên cạnh đó, người bệnh nên thay đổi chế độ ăn để giảm lượng nước tiểu như: Ăn ít muối, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đạm (thịt, cá, trứng,…)
• Người bệnh đái tháo nhạt do thận ở mức độ nặng có thể điều trị bằng thuốc hydroclorothiazid để giảm lượng nước tiểu do thận thải ra.
Qua đây bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có đưa ra khuyến cáo: Bệnh đái tháo nhạt có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh như tiểu nhiều, khát nước nhiều, mất nước, mệt mỏi,… người bệnh nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Nguồn tham khảo: Everything You Need to Know About Diabetes
Bs. Lê Thị Phương Dung