Bệnh Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân.
Vừa qua Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một trường hợp anh T sinh năm 1982 ở Thanh Ba – Phú thọ vào viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, bụng chướng căng, buồn nôn, nôn dịch dạ dày xanh bẩn, khó thở nhẹ, tiểu tiện ít, mạch 130 lần/phút, huyết áp 130/70 mmHg. Các bác sĩ siêu âm bụng thấy tụy phù nề nhẹ, CT scaner cho kết quả viêm tụy cấp phù nề grade E theo Balthazar, Triglyceride máu: 54.0 mmol/l, Amylase: 800 U/L.
Người bệnh nguy kịch vì viêm tụy cấp
Khoảng hai ngày trước khi nhập viện, anh T thấy đau bụng, buồn nôn, đau ngày càng tăng lên đã được người nhà đưa đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc . Tại đây, anh T được chẩn đoán: Viêm tụy cấp, tăng Triglyceride mức độ nặng.
Người bệnh được điều trị nội khoa tích cực. Các bác sỹ trong Khoa tiến hành đặt catherter TMTT bù dịch, dùng kháng sinh. Sau khi điều trị nội khoa tình trạng người bệnh cải thiện chậm,bụng còn chướng căng, các bác sĩ đã tiến hành thay huyết tương ( PEX) cho người bệnh.
Người bệnh đáp ứng tốt sau khi thay huyết tương
Sau thay huyết tương lần đầu người bệnh đáp ứng tốt, xét nghiệm Triglyceride máu bệnh nhân từ lúc 54 mmol/l sau thay huyết tương xuống còn 9.0mmol/l. Amylaza máu 130 U/L. Hai ngày điều trị tiếp theo, sức khỏe người bệnh chuyển biến tích cực, mạch: 80 lần/phút, huyết áp 120/70 mmHg, không còn đau bụng, không nôn, không sốt tiểu tiện bình thường Triglyceride máu giảm còn: 5.2 mmol/l.
Người bệnh đã ổn định sau điều trị
Hiện tại sức khỏe người bệnh đã ổn định hoàn toàn và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Tụy là một tạng nằm trong phúc mạc phía trước cột sống ngang mức L1- L2, giữa tá tràng và lách, sau dạ dày, phía trước các mạch máu lớn. Tụy gồm 3 phần: đầu, eo, thân và đuôi tụy.Tụy có chức năng nội tiết (tiết insulin, glucagon để kiểm soát đường huyết), một số nội tiết tố khác và chức năng ngoại tiết (tiết các men tiêu hóa để tiêu tinh bột, protein, mỡ)
Cơ chế bệnh sinh của viêm tụy cấp
Cơ chế bệnh sinh của viêm tuỵ cấp chủ yếu là do sự hoạt hoá các tiền enzym thành các enzym có hoạt tính ngay trong lòng tuyến tụy, gây huỷ hoại nhu mô tuỵ,từ đó kéo theo một loạt các phản ứng viêm toàn thân dây chuyền khác.
Nguyên nhân của viêm tụy cấp
– Do rượu: hiện nay nguyên nhân này thương gặp hơn các nguyên nhân tắc nghẽn cơ học.
– Tắc nghẽn: sỏi ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui ống mật hoặc dị vật…
– Sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau nội soi mật – tụy ngược dòng.
– Do chấn thương đụng dập vùng tụy.
– Do rối loạn chuyển hóa như: tăng triglycerid máu, tăng canxi máu.
– Các nguyên nhân khác: Nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, virus, độc chất hay thuốc (azathioprin, mercaptopurin, tetracyclin, ethylalcol, thuốc trừ sâu phospho hữu cơ…) loét dạ dày…
– Vô căn: chiếm khoảng 10 – 15% các trường hợp.
Kết luận
Bệnh viêm tụy cấp là tình trạng viêm đột ngột trong một thời gian ngắn với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp đều hồi phục hoàn toàn nếu như được khi điều trị đúng và kịp thời. Người dân khi có những biểu hiện như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.