“Sương mù não” là một trong những di chứng của hậu Covid-19. Trong đó trạng thái lơ mơ về tinh thần có thể kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của người bệnh
Sương mù não là gì?
Sương mù não không phải là một thuật ngữ chuyên môn, mà là một cách viết để mô tả các triệu chứng ảnh hưởng đến suy nghĩ. Mỗi người biểu hiện khác nhau, có thể bao gồm lú lẫn, mất trí nhớ, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm, khó tập trung và dễ mất tập trung. Nhiều người mô tả chứng “sương mù não” ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày, ví dụ đi đến tủ lạnh lấy bột giặt hay nhìn chằm chằm vào máy tính cố gắng viết nhưng không nhớ được chủ đề… Sương mù não còn ảnh hưởng đến công việc khiến nhiều người phải cố gắng để duy trì hiệu quả và thậm chí có người đã phải bỏ việc.
Điều gì gây ra sương mù não sau COVID-19?
Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chứng sương mù não sau COVID-19. Tuy nhiên, một số nguyên nhân đã được xác định gây nên tình trạng này bao gồm:
- Thiếu oxy não do tổn thương phổi
- Viêm não
- Rối loạn tự miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể
- Đột quỵ não
Nguyên nhân gây sương mù não còn do làm việc quá sức, thiếu ngủ, căng thẳng và dành quá nhiều thời gian cho máy tính. Ở cấp độ tế bào, sương mù não được cho là do tình trạng viêm nhiễm ở mức độ cao và những thay đổi đối với hormone quyết định tâm trạng, năng lượng và sự tập trung của bạn.
Ngoài ra, việc dùng thuốc hay các tình trạng y tế (liên quan đến viêm nhiễm, mệt mỏi hoặc thay đổi mức đường huyết) thậm chí sự thiếu hụt hoặc không đủ chất dinh dưỡng, có thể góp phần gây ra các triệu chứng sương mù não.
Các biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện chứng sương mù não:
- Ngủ đủ 7- 9 giờ mỗi đêm.
- Tránh căng thẳng, stress
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày tối thiểu 30 phút
- Hạn chế uống cà phê, tránh sử dụng rượu và các chất kích thích
- Tăng lượng protein, trái cây, rau và chất béo lành mạnh
- Tham gia các hoạt động xã hội
Ngoài ra, người bệnh khi có biểu hiện lú lẫn, mất trí nhớ, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm, khó tập trung và dễ mất tập trung… nên đi khám sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân khác, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.