Hiểu đúng về chính sách thông tuyến tỉnh về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chính sách thông tuyến tỉnh về khám chữa bệnh BHYT được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật BHYT ngày 14/11/2008 (và quy định tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13/6/2014) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Điều này mở ra cơ hội cho người dân có thể lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh cho mình phù hợp với tình trạng bệnh và nhu cầu của bản thân từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh. Khi chính sách này được thực thi, có rất nhiều thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề thông tuyến tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mời Thạc sỹ. BS. Ngô Gia Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc cho người dân.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mời Thạc sỹ. BS. Ngô Gia Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc cho người dân.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mời Thạc sỹ. BS. Ngô Gia Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc cho người dân.

Câu hỏi 1: Thưa Bác sỹ, anh có thể cho biết chính sách thông tuyến tỉnh về khám chữa bệnh BHYT được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế như thế nào?

Trả lời: Theo Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT quy định: Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này: a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trên phạm vi cả nước.

Và theo Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT và tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

Như vậy, từ thời điểm ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Câu hỏi 2: Người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu tại các phường, xã, Trạm Y tế hay Trung tâm Y tế tuyến huyện thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ khi đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào?

Trả lời: Đối với người bệnh có BHYT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, sẽ có 2 trường hợp:

Thứ nhất: Trường hợp thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thì đương nhiên khi khám bệnh và điều trị nội trú tại Bệnh viện sẽ được hưởng đúng phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định.

Thứ hai: Trường hợp thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (không phải là Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) thì theo quy định của chính sách thông tuyến, kể từ ngày 01/01/2021 người dân khi điều trị nội trú tại Bệnh viện sẽ được hưởng như đúng tuyến mà không cần phải có giấy chuyển tuyến, còn khi đi khám bệnh ngoại trú thì vẫn phải xin giấy chuyển tuyến thì mới được hưởng như quy định trước đây.

Câu hỏi 3: Người bệnh có thẻ BHYT cư trú ở tỉnh khác (Ví dụ như Yên Bái, Tuyên Quang…) khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ sẽ được BHYT chi trả như thế nào ạ?

Trả lời: Quy định thông tuyến tỉnh nội trú về khám chữa bệnh BHYT quy định cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Vì vậy, đối với người bệnh có thẻ BHYT cư trú ở bất kỳ tỉnh thành nào khi điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đều được quyền lợi như đúng tuyến mà không cần phải có giấy chuyển tuyến.

Câu hỏi 4: Quy định thông tuyến có áp dụng cho riêng mã thẻ BHYT nào không? Tham gia BHYT theo hộ gia đình (mã thẻ GD) thì có được áp dụng thông tuyến không?

Trả lời: Quy định về thông tuyến tỉnh điều chỉnh cho mọi đối tượng tham gia BHYT, do đó tất cả các loại mã thẻ đều được đảm bảo quyền lợi theo đúng chính sách hiện hành.

Câu hỏi 5: Người bệnh đi khám bệnh trái tuyến (phải nộp tiền viện phí trực tiếp) mà có chỉ định phải vào nhập viện thì có được BHYT thanh toán không?

Trả lời: Khi đi khám bệnh mà người bệnh được bác sỹ chỉ định cần nhập viện điều trị thì được BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú bao gồm cả các chi phí khám bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT.

Câu hỏi 6: Trường hợp người bệnh nhập viện trái tuyến trước ngày 01/01/2021 và ra viện sau ngày 01/01/2021 thì sẽ phải thanh toán BHYT như thế nào?

Trả lời: Trong trường hợp người bệnh nhập viện trái tuyến trước ngày 01/01/2021 và ra viện sau ngày 01/01/2021 thì những chi phí phát sinh trước thời điểm ngày 01/01/2021 sẽ được tính theo trái tuyến còn những chi phí phát sinh từ ngày 01/01/2021 đến lúc ra viện được tính là đúng tuyến.

Câu hỏi 7: Theo quy định thông tuyến tỉnh: “BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước” có phải là mọi người dân đều được chi trả 100% chi phí điều trị ở tuyến tỉnh không?

Trả lời: Theo quy định của khoản 6 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, người tham gia BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng như đi KCB đúng tuyến từ ngày 01/01/2021.

Hiện nay, mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến được quy định tại Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi 2014 như sau:

– 100% chi phí KCB: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…

– 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

– 80% chi phí KCB: Đối tượng khác.

Theo đó, từ ngày 01/01/2021, nếu người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến thì:

– Đối tượng hưởng 100% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú;

– Đối tượng hưởng 95% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú;

– Đối tượng hưởng 80% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú.

Vì vậykhông phải ai cũng cũng được thanh toán 100% tiền điều trị nội trú khi đi KCB trái tuyến tỉnh, chỉ những người được hưởng 100% chi phí KCB đúng tuyến mới được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. Các đối tượng khác hưởng theo mức đúng tuyến của mình.

Tuy nhiên người dân cần Lưu ý: Theo Công văn 4055/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23/12/2020, người bệnh điều trị nội trú trái tuyến tỉnh sẽ không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB để xem xét hưởng 100% chi phí KCB với người tham gia BHYT 05 năm liên tục.

Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Xem chi tiết tại đây:

Mọi vướng mắc người dân vui lòng liên hệ với Tổng đài CSKH (24/7) 0210.627.8888 hoặc trên các kênh fanpage/zalo/website của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được giải đáp và hỗ trợ.

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện