Hội chứng tiền đình có các biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như ù tai, buồn nôn, nôn, tim đập nhanh, vã mồ hôi. Hội chứng tiền đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hệ thống tiền đình ngoại biên chủ yếu dựa vào vị trí giải phẫu.
Nguyên nhân của hội chứng tiền đình
- Nguyên nhân của hội chứng tiền đình ngoại biên:
Nguyên nhân tại mê nhĩ: Bệnh Méniere, tổn thương dây VIII do ngộ độc thuốc, chấn thương, viêm tai giữa…
Nguyên nhân sau mê nhĩ: U dây VIII (nếu phát triển sẽ gây hội chứng góc cầu tiểu não), tổn thương tiền đình do virus…
2. Nguyên nhân của hội chứng tiền đình trung ương:
Chảy máu tiểu não, hội chứng Wallenberg, u não, xơ cứng rải rác, áp xe thân não, viêm màng não lao, thiểu năng động mạch sống nền…
Triệu chứng chung của hội chứng tiền đình
- Chóng mặt:
Là một triệu chứng thường gặp nhất trong hội chứng tiền đình.
Đó là một cảm giác không có thật về sự chuyển động của cơ thể hoặc môi trường xung quanh. Chuyển động này thường xoay tròn hay bồng bềnh.
Chóng mặt điển hình và không điển hình.
2. Mất thăng bằng
3. Rung giật nhãn cầu:
Hướng của rung giật nhãn cầu: ngang, ngang và xoay, dọc, đa hướng.
Chiều của rung giật nhãn cầu: rung giật nhãn cầu có thể là hiện tượng sinh lý khi ta liếc hết cỡ. Rung giật nhãn cầu bẩm sinh thì hai chiều chuyển động có tốc độ như nhau (rung giật nhãn cầu kiểu con lắc).
Rung giật nhãn cầu có thể xuất hiện khi ta làm nghiệm pháp nhiệt.
4. Các triệu chứng thần kinh thực vật đi kèm: buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, da xanh tái và vẻ mặt lo lắng,…
Phân biệt chóng mặt trung ương và ngoại biên
Chóng mặt trung ương | Chóng mặt ngoại biên | |
Hướng rung giật nhãn cầu | Có thể hướng dọc hoặc các hướng khác , có thể thay đổi hướng khi thay đổi hướng nhìn | Ngang hoặc xoay, không bao giờ dọc, không thay đổi hướng |
Khởi phát | Bán cấp | Cấp tính |
Nhìn cố định | Không thay đổi | Giảm hoặc mất |
Nôn, buồn nôn | Rất thay đổi | Có thể nặng |
Triệu chứng tai | Hiếm | Thường gặp |
Triệu chứng thần kinh | Thường gặp | Hiếm |
Mất thăng bằng | Nặng | Nhẹ đến trung bình |
Suy giảm rung giật nhãn cầu | Không suy giảm | Suy giảm |
Kéo dài | Liên tục | Ngắn, có thể giảm sau vài ngày |
Thăm dò chức năng trong hội chứng tiền đình
- Nghiệm pháp nhiệt: người ta dùng nước nóng (440C) hoặc nước lạnh (300C) bơm vào ống tai ngoài để gây kích thích vào các ống bán khuyên và gây ra rung giật nhãn cầu (phải đảm bảo màng nhĩ không thủng).
– Kết quả: kích thích bằng nước nóng chiều của rung giật về bên tổn thương, với nước lạnh thì chiều của rung giật về bên đối diện.
2. Ghi biểu đồ điện của rung giật nhãn cầu: ghi các cử động nhãn cầu nhờ vào các điện cực dán trên vùng quanh ổ mắt.
– Kết quả: trong hội chứng tiền đình ngoại biên, ta thấy giảm hoặc mất khả năng kích thích của tiền đình. Sự nhìn cố định sẽ ức chế tác dụng gây rung giật nhãn cầu của các nghiệm pháp. Trong hội chứng tiền đình trung ương: rung giật nhãn cầu theo nhiều hướng không kết hợp với nhau.
3. Điện thế khêu gợi thính giác: là phương pháp thăm dò các đường thính giác ngoại biên và trung ương nhờ các điện thế khêu gợi ở vỏ não thông qua các kích thích tiếng động lặp đi lặp lại. Xét nghiệm này thường kết hợp với đo thính lực.
– Kết quả: Vắng mặt sóng I tương đương với điếc do tổn thương tế bào ốc tai, kéo dài khoảng thời gian từ sóng I đến sóng III điếc do tổn thương sau ốc tai, có nghĩa là trên đường đi của dây VIII, kéo dài khoảng thời gian từ sóng III đến sóng V gợi ý một tổn thương trung ương.
4. Chẩn đoán hình ảnh bằng MRI: chẩn đoán các tổn thương trên đường đi của dây VIII và tổn thương ở thân não hoặc ở góc cầu tiểu não.
Điều trị
- Điều trị ức chế tiền đình:
- Kháng Cholinergics: Scopolamine
- Kháng Histamin: Diphenihydramine, Dimenhydrinate, Promethazine, Meclizine
- Benzodiazepine: Diazepam, Lorazepam, Clonazepam
2. Điều trị phục hồi tiền đình:
- Định vị sỏi ốc tai (chẩn đoán BPPV) bằng các nghiệm pháp (Epley hoặc semont).
- Acetyl –DL –Leucine (Tanganil).
- Cinarizine, Flunarizine.
- Ổn định não bộ: ngủ đủ, ăn uống cân bằng.
3. Điều trị theo nguyên nhân.
Việc điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau, quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp, xảy ra bất ngờ để phòng tránh tai nạn cho người bệnh. Khi bệnh nhân có cơn chóng mặt cần đặt người bệnh nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh và kết hợp thuốc. Về lâu dài để phòng ngừa tái phát, người bệnh cần được điều trị và theo dõi tại bác sĩ kết hợp với điều trị phục hồi chức năng do chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn.