Phục hồi chức năng rối loạn nuốt và kiểm soát biến chứng rối loạn nuốt trên người bệnh đột quỵ não

Giống như liệt vận động, rối loạn nuốt là 1 trong những triệu chứng rất phổ biến sau đột quỵ não do tình trạng liệt cơ hầu họng gây ra. Nó có thể gây ra những rối loạn phức tạp, những biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị chung, cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do vậy việc PHCN rối loạn nuốt và kiểm soát những biến chứng của rối loạn nuốt gây ra đóng vai trò quan trọng trong điều trị đột quỵ não.

Rối loạn nuốt là gì?

Rối loạn nuốt (hay khó nuốt) là cảm giác mắc kẹt hay làm tắc nghẽn đường đi của thức ăn qua miệng, họng, thực quản tới dạ dày. Nguyên nhân rối loạn nuốt có thể là do tổn thương khu vực lưỡi, hầu họng, tổn thương cảm giác dây phế vị hoặc tổn thương trung tâm nuốt trong đột quỵ não…

Đây là một di chứng thường gặp sau đột quỵ não. Sau đột quỵ não cấp có đến 42 – 67 % bệnh nhân bị rối loạn nuốt. Sau đột quỵ não một tuần, rối loạn nuốt xảy ra ở 25-30% bệnh nhân và sau 6 tháng xảy ra ở 11-50% bệnh nhân.

Khi bị đột quỵ não, cơ hầu họng bị liệt dẫn đến chứng khó nuốt. Người bệnh gặp khó khăn khi nuốt các loại thức ăn, thức uống, kể cả khi uống thuốc hay nuốt nước bọt… Nếu tình trạng không được cải thiện sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất là hít sặc dẫn đến suy hô hấp cấp (nếu không cấp cứu kịp thời người bệnh có thể tử vong); hít sặc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi trên người bệnh đột quỵ, làm tăng nguy cơ tử vong sau đột quỵ và kéo dài thời gian điều trị.

Các giai đoạn của quá trình nuốt

Các giai đoạn của quá trình nuốt
Các giai đoạn của quá trình nuốt

Triệu chứng của rối loạn nuốt

Triệu chứng ở người bệnh bị rối loạn nuốt có thể được chia thành 3 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn miệng: Bị tồn đọng lại thức ăn ở trong miệng; Bị chảy nước dãi trong khi ăn; Bị rơi vãi thức ăn ra ngoài miệng.
  • Giai đoạn hầu họng: Trào ngược qua mũi, ho hoặc sặc trong khi nuốt, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau khi nuốt, thây đổi hô hấp, hoặc có viêm phổi gần đây,….
  • Giai đoạn thực quản: Cảm giác thức ăn còn tồn đọng ở cổ họng, ngực; Viêm phổi gần đây; Sụt cân không rõ nguyên nhân; Thay đổi thói quen ăn uống.

Các biến chứng nguy hiểm của rối loạn nuốt

Một trong những biến chứng nguy hiểm của Rối loạn nuốt chính là viêm phổi do hít sặc (tăng 17% so với nhóm không bị rối loạn nuốt). Khi thức ăn hoặc nước uống bị lọt vào khí quản sẽ khiến người bệnh bị ho sặc sụa, co thắt phế quản, khó thở, có thể dẫn đến tử vong (khoảng 30%).

Ngoài ra “hít sặc thầm lặng” với sự xâm nhập thức ăn, nước uống vào phổi mà không gây ra ho (thường gặp ở những bệnh nhân có rối loạn cảm giác hoặc không có khả năng ho chủ động và hiệu quả) cũng gây hậu quả nặng nề cho người bệnh.

Các biến chứng thường gặp khác như suy dinh dưỡng (16-40%), mất nước, rối loạn nước điện giải, …..

Chỉ 45% bệnh nhân bị chứng khó nuốt còn có cảm giác muốn ăn; 41% bệnh nhân thường xuyên lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi khi nghĩ đến ăn hoặc không thoải mái khi ăn. Điều này có thể dẫn đến thay đổi thói quen ăn uống, thậm chí gây trầm cảm, làm giảm khả năng tái hòa nhập cộng đồng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh…..

Vì vậy, việc kiểm soát và phòng ngừa biến chứng do rối loạn nuốt, chẩn đoán sớm và phục hồi chức năng nuốt sớm ngay sau đột quỵ não sẽ góp phần giảm các biến chứng nặng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khi nào cần phục hồi rối loạn chức năng nuốt ở bệnh nhân đột quỵ não?

Tất cả những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ cần được sang lọc rối loạn nuốt ngay bởi các bác sĩ và chuyên viên đã được đào tạo về rối loạn nuốt chuyên sâu, bài bản. Nếu có rối loạn nuốt cần đặt sonde dạ dày đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Và tiến hành lượng giá chi tiết, can thiệp tập nuốt sớm ngay khi tình trạng bệnh nhân ổn định (thường ngay trong 01 tuần đầu sau khởi phát đột quỵ não).

Việc kiểm soát và can thiệp sớm rối loạn nuốt giúp phòng được các biến chứng do rối loạn nuốt gây ra: bệnh nhân phòng được viêm phổi do hít sặc, đảm bảo dinh dưỡng,… tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi, rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.

Can thiệp và tập nuốt sớm giúp cơ hầu họng nhanh chóng phục hồi, lấy lại khả năng ăn nhai cho bệnh nhân, giảm sự phụ thuộc, tăng khả năng tái hòa nhập cộng đồng.

Kiểm soát và phòng ngừa biến chứng rối loạn nuốt tại Trung Tâm Đột Qụy Phú Thọ

Tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, việc sàng lọc rối loạn nuốt được thực hiện ngay khi nhập viện với 100% bệnh nhân đột quỵ.

Người bệnh có rối loạn nuốt sẽ được bác sĩ và chuyên viên tập nuốt khám lượng giá kỹ lưỡng và đưa ra chương trình tập luyện phù hợp với nhiều bài tập chi tiết, cụ thể nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Điều trị rối loạn nuốt tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ
Điều trị rối loạn nuốt tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ

ff2

Ngoài ra, Trung tâm cũng áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như: thăm dò chức năng (Nội soi ống mềm FEES) và chẩn đoán hình ảnh (quay video dưới màn huỳnh quang tăng sáng VFSS)… để chẩn đoán chính xác mức độ, vị trí rối loạn nuốt và tình trạng hít sặc của người bệnh.

Hình ảnh được quay dưới màn huỳnh quang tăng sáng (VFSS)
Hình ảnh được quay dưới màn huỳnh quang tăng sáng (VFSS)
Nội soi ống mềm (FEES)
Nội soi ống mềm (FEES)

Thực tế, tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tuân thủ đúng đủ liệu trình điều trị sự phục hồi rối loạn nuốt chiếm tỉ lệ rất cao lên đến > 90%.

Chăm sóc, đảm bảo ăn uống an toàn cho người bệnh có rối loạn nuốt

• Cần có chế độ (loại) thức ăn phù hợp, lượng đủ và đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
• Tư thế cho ăn: Ngồi thẳng người khi ăn hoặc uống. Nếu người bệnh không ngồi được thì chỉnh đầu giường cho cao lên ít nhất 30 độ hoặc đỡ người bệnh ngồi dậy. Không ăn, uống khi nằm.
• Cho ăn theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế: Cho người bệnh ăn từng thìa một, nhai kỹ thức ăn tạo viên thức ăn trước khi nuốt, ăn từ từ, gập cổ khi nuốt… Và phải chắc chắn là người bệnh đã nuốt hết thức ăn trước khi cho ăn miếng tiếp theo. Cho người bệnh uống từng ngụm nhỏ, không nuốt ực, nốc cạn.
• Sử dụng chất làm đặc đúng cách khi có chỉ định.
• Không nói chuyện khi có thức ăn trong miệng.
• Gọi hỏi để tạo sự chú ý cho người bệnh tập trung vào việc ăn uống, tránh mất tập trung gây hít sặc.
• Sau ăn nên giữ tư thế ngồi 30 phút để tránh trào ngược.
• Đảm bảo vệ sinh răng miệng: đánh răng, rơ lưỡi sạch sau khi ăn.

Việc phát hiện sớm rối loạn nuốt trong đột quỵ não và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh hạn chế các biến chứng, sớm phục hồi chức năng nuốt và cải thiện việc ăn uống cho người bệnh. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người nhà, người chăm sóc bệnh nhân có rối loạn nuốt sau đột quỵ não cần tin tưởng và tuân thủ theo đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị của nhân viên y tế, thực hiện đúng theo hướng dẫn cho bệnh nhân ăn uống, kiên trì theo đuổi hết liệu trình điều trị để tình trạng rối loạn nuốt được điều trị dứt điểm. Qua đó, giúp người bệnh tái hòa nhập cuộc sống dễ dàng hơn.

TRUNG TÂM ĐỘT QUỴ – BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

HOTLINE: 0210 655 2288

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện