Ung thư thực quản là loại bệnh ung thư về đường tiêu hóa có tiên lượng bệnh xấu và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư thực quản và điều trị sớm, đúng phương pháp thì xác suất điều trị thành công và kéo dài sự sống cho bệnh nhân được cải thiện đáng kể.
Tìm hiểu về ung thư thực quản
– Thực quản là một phần của ống tiêu hóa nối miệng và cổ họng xuống dạ dày, dài khoảng 25 cm. Thức ăn được vận chuyển từ miệng đi qua thực
quản rồi đến dạ dày. Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản
Nguyên nhân gây bệnh do đâu?
Cũng như các bệnh ung thư khác, cho đến nay các nguyên nhân gây ung thư thực quản vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết được các yếu tố nguy cơ gây bệnh để phòng tránh.
– Thường xuyên uống rượu, hút thuốc lá: Đây là thói quen phổ biến ở nam giới. Những người thường xuyên uống rượu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản, đặc biệt, nguy cơ càng tăng cao ở những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá.
– Chế độ ăn uống: Thường xuyên ăn, uống các thực phẩm có chứa nitrit và nitrat (dưa muối, cà muối, thịt muối,…). Hoặc chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ, rau xanh, hoa quả hoặc thói quen ăn đồ cay, nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ nướng làm gây nên các tổn thương ở niêm mạc thực quản.
– Các tổn thương ở thực quản: viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản, sẹo bỏng thực quản, bệnh co thắt tâm vị,…
– Tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư thực quản.
– Những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Yếu tố tuổi tác, giới tính: Bệnh thường gặp ở độ tuổi 55-80, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ giới (chiếm tỷ lệ 80%).
Các triệu chứng ung thư thực quản
Ở giai đoạn sớm, hầu như bệnh không gây nên triệu chứng hay dấu hiệu gì.
Khi khối u đã phát triển, bệnh nhân thường gặp phải một số triệu chứng của bệnh ung thư thực quản sau:
- Khó nuốt hoặc nuốt đau, mức độ nuốt nghẹn ngày càng tăng dần.
- Đau họng, đau sau xương ức, đau lưng, đau ở giữa xương bả vai.
- Khàn giọng.
- Tăng tiết nước bọt, nấc, ợ nóng.
- Nôn, có thể có nôn rau máu.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Có thể bị nổi hạch cổ, hạch thượng đòn.
Chẩn đoán ung thư thực quản
Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh lý và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một số chẩn đoán sau:
– Nội soi thực quản: Dùng một ống nhỏ có đèn sáng đưa vào trong ống thực quản, nếu nghi ngờ có vùng bất thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu để sinh thiết bằng ống nội soi. Phương pháp này giúp xác định chính xác vị trí, hình dạng khối u, tình trạng viêm loét ở bề mặt khối u. Đồng thời, nó còn cho phép lấy mẫu bệnh phẩm để nghiên cứu tế bào dưới kính hiển vi giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
– Chụp X-quang: Bệnh nhân được tiến hành chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang ở các tư thế khác nhau (thẳng, nghiêng, chếch) giúp xác định các vị trí bị sùi hoặc lòng thực quản bị chít hẹp.
– Chụp cắt lớp vi tính: Giúp xác định chính xác vị trí, hình dạng của khối u, mức độ chít hẹp lòng thực quản, đặc biệt còn giúp bác sĩ đánh giá được mức độ xâm lấn của khối u sang các cơ quan khác ở trung thất.
Điều trị ung thư thực quản
Cũng như những căn bệnh ung thư khác, điều trị ung thư thực quản cũng cần phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, và cũng gồm các biện pháp điều trị thông thường: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, hỗ trợ điều trị bằng đông y. Cần dựa vào giai đoạn phát triển của khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để quyết định biện pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư thực quản ở các giai đoạn:
– Giai đoạn I, II: Phẫu thuật sớm và triệt để, cắt đoạn thực quản có khối u, kết hợp với hóa trị, xạ trị đồng thời nâng cao tích cực thể trạng của bệnh nhân.
– Giai đoạn III: Ở giai đoạn này, phẫu thuật thường không thể cắt bỏ triệt để khối u do đó cần thiết phải áp dụng đến hóa trị và xạ trị. Có thể tiến hành chiếu tia xạ và truyền hóa chất cả trước và sau phẫu thuật.
– Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này khối u đã phát triển lớn và xâm lấn, do đó thường chỉ mở thông dạ dày để thức ăn có thể đi vào và nuôi dưỡng cơ thể, các biện pháp điều trị hầu như không còn hiệu quả nữa. Có thể hỗ trợ điều trị bằng Đông y để tăng cường hệ miễn dịch, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
– Phẫu thuật:
Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn thực quản có chứa khối u cùng với các hạch lân cận, sau đó nối phần lành còn lại của thực quản với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn có thể nuốt được và tiêu hóa bình thường.
– Xạ trị:
Là phương pháp sử dụng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư đồng thời giúp giảm đau. Bệnh nhân có thể được điều trị chiếu xạ ngoài (chiếu tia phóng xạ bên ngoài cơ thể) hoặc chiếu xạ trong (vật liệu phát xạ được đặt bên trong hoặc gần khối u).
Xạ trị có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị để thay thế cho phẫu thuật ban đầu, nhất là khi vị trí hoặc kích thước của khối u gây khó khăn, không thể phẫu thuật được. Kết hợp 2 phương pháp này sẽ giúp làm co khối u lại trước khi phẫu thuật.
– Hóa trị:
Là phương pháp sử dụng các thuốc đưa vào cơ thể bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch hoặc uống để tiêu diệt các tế bào ung thư.