Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử – Bước đột phá mới của lĩnh vực xét nghiệm trong việc chẩn đoán các tác nhân gây bệnh và hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, sự thành công của kỹ thuật nhận dạng và giải trình tự gen đã tạo ra bước nhảy vọt cho việc tổng hợp chuỗi gen PCR (polymerase chain reaction). Kỹ thuật này đã giúp cho việc chẩn đoán các tác nhân gây bệnh và hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư.

Năm 1983, Kary Mullis đã nghiên cứu thành công kỹ thuật  tổng hợp PCR giúp cho việc nhận diện vi sinh vật gây bệnh một cách nhanh chóng. Đây là kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm này thoạt đầu trả lời được câu hỏi định tính (Trong mẫu thử có vi sinh đó không?).

Năm 1991, các nhà nghiên cứu tìm được cơ chế hoạt động theo chu trình từ đầu 5 đến đầu 3 của  DNA – polymerase, từ đó cho phép việc ghi tín hiệu trực tiếp, tức thời các quá trình xảy ra trong phản ứng tổng hợp PCR. Kỹ thuật ghi tín hiệu này có thuật ngữ là “Real – time PCR”. Phản ứng trong “Real – time PCR” cao hơn trong PCR khoảng 50 – 60 vòng. So sánh số vòng xảy ra trong mẫu thử gấp bao nhiêu lần trong mẫu chuẩn ta sẽ tính được lượng vi sinh trong mẫu thử. Như vậy kỹ thuật “Real  – time PCR” sẽ trả lời được câu hỏi định lượng (Có bao nhiêu vi sinh trong mẫu thử?).

Vi sinh vật phải có mặt với một số lượng đủ lớn mới gây ra được bệnh. Phản ứng tổng hợp PCR cho phép ta nhận diện sự có mặt của vi sinh vật và phản ứng “Real – time PCR” cho ta định lượng được số vi sinh vật trong mẫu thử, do đó sẽ giúp cho việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Khi dùng một liệu pháp nào đó để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh thì không bao giờ tiêu diệt hết 100% vi sinh vật mà chỉ làm giảm vi sinh vật đến mức tối thiểu. Dùng phản ứng tổng hợp PCR và kỹ thuật “Real – time PCR” sẽ cho phép ta định tính và định lượng vi sinh vật ở từng thời điểm trong và sau điều trị, tức là cho phép đánh giá kết quả điều trị.

Xét nghiệm sinh học phân tử phải được thực hiện trong điều kiện kỹ thuật rất khắt khe, yêu cầu độ chính xác cao trong từng thao tác kỹ thuật.

Có rất nhiều vi sinh vật gây bệnh đặc biệt là các chủng mới như HIV, viêm gan B, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, SARS…, mà nếu dùng phương pháp xét nghiệm vi sinh cổ điển sẽ không thể xác định hay đáp ứng chậm thì phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử sẽ đáp ứng được và đáp ứng nhanh hơn, nhờ đó mà giúp cho việc chẩn đoán cũng như đánh giá hiệu quả điều trị một số bệnh kịp thời.

Sự thay đổi môi trường, lối sống cộng với sự thay đổi của  các tác nhân gây bệnh, làm cho việc giải thích bệnh sinh không đơn giản, mà cần phải giải thích bằng mối tương tác phức tạp của nhiều tác nhân. Chẳng hạn, trong bệnh ung thư thì đâu là sự tàn phá do nhiễm khuẩn, đâu là sự suy kiệt do các hội chứng rối loạn chuyển hóa dai dẳng và đâu là tác động trường diễn của các chất độc trong tự nhiên… Thông qua kỹ thuật tổng hợp PCR và “Real – time PCR” có thể trả lời được các câu hỏi hóc búa trên.

14092019 xet nghiem 2

 

Hiện nay ở Đơn vị Vi sinh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai được nhiều kỹ thuật sinh học phản ứng phân tử, trong đó có thể kể đến các xét nghiệm như:

1. CMV Real-time PCR:

Phát hiện DNA virus Cytomegalovirus (CMV). CMV là tác nhân sinh bệnh nhiễm trùng cơ hội và nguy cơ bệnh CMV tùy thuộc sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. CMV còn là một trong những nguyên nhân gây mhiễm trùng bẩm sinh thường gặp ở thai phụ – nhiễm trùng Torch gây nguy hại cho thai nhi.

2. EBV Real-time PCR:

Phát hiện DNA virus Epstein-Barr (EBV). EBV được biết đến như là nguyên nhân của bệnh bạch cầu đơn thuần (mononucleosis). EBV cũng liên quan với một số dạng đặc biệt của ung thư, chẳng hạn như u lympho Hodgkin; u lympho Burkitt; ung thư dạ dày; ung thư biểu mô vòm họng và các tình trạng liên quan đến virus gây suy giảm miễn dịch ở người bệnh (HIV) và u lympho của hệ thần kinh trung ương.

3. Adenovirus Real-time PCR:

Phát hiện DNA virus Adenovirus. Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hóa, mắt, tiết niệu và ở gan. Trong số 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh đã biết, nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Nhiễm Adenovirus thường là nhiễm một type, chiếm khoảng 5% nhiễm virus hô hấp cấp tính ở trẻ em, virus này còn thường gặp trong bệnh lý nhiễm virus ở mắt và đường tiêu hóa.

Việc áp dụng Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử tại Đơn vị Vi sinh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã mang lại hiệu qua cao trong việc chẩn đoán các tác nhân gây bệnh và hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư. Giúp tối ưu hóa kết quả điều trị cho người bệnh.

Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật