Khi làm nên Triển lãm này chúng tôi mong sẽ mang đến cho những cán bộ đương thời của Bệnh viện cơ hội nhìn về quá khứ, từng thời kỳ chuyển mình của Bệnh viện – Ở đó có những câu chuyện chúng tôi sắp kể lại. Nó sẽ giống như một thế giới riêng nho nhỏ cho chúng ta nhìn vào quá khứ, soi mình trong hiện tại và viết tiếp câu chuyện của ngày hôm nay
Vào ngày thứ hai mở Triển lãm, chúng tôi theo chân một số nhân chứng vàđược nghe những mẩu chuyện về các bức ảnh mà chúng tôi đã tìm thấy trong tư liệu truyền thống của Bệnh viện. Những câu chuyện có thể chưa thật đầy đủ, chưa thật chuẩn xác bởi những nhân chứng đi qua thời kỳ đó giờ còn rất ít hoặc người kể cho chúng tôi nghe giờ đây cũng là người nghe kể lại nhưng tất cả như một dòng chảy của thời gian khiến chúng tôi bị trôi theo và đắm vào cảm xúc tự hào vì bản thân cũng đang là người được tiếp theo dòng chảy ấy – Câu chuyện của dòng chảy 55 năm về ngôi nhà thứ hai của chúng ta.
Bức ảnh chúng tôi gọi tên “Tổng quan Bệnh viện thời kỳ đầu” đã có cơ hội làm sống lại ký ức của không ít người như chị Bình (một người đồng nghiệp của chúng tôi). “Đây là cây sấu to lắm, cái cantin này là của bà Hòa – nó đã đi theo Bệnh viện từ những ngày này cho đến tận bây giờ đấy, bên này là nhà thuốc, tầng trên là khu nhà mổ…”. Tất cả như sống lại về hình ảnh một miền ký ức còn nhiều thiếu thốn, tuổi lên năm lên ba đi theo bố mẹ vào những ca trực, tất cả góc sân, bức tường ố màu đã dệt nên một ước mơ trở thành người cán bộ y tế ngày hôm nay. Chị say sưa kể cho tôi nghe, giọng kể còn nguyên cảm xúc được tìm về khoảng trời đã là một phần của tình yêu gia đình và giấc mơ cả đời của người khoác lên mình màu áo trắng.
Bức ảnh: Tổng quan Bệnh viện thời kỳ đầu
Câu chuyện thứ hai tôi được nghe từ Chú (người thầy và cũng có thể coi như người cha đã gieo cho tôi một niềm tin vào bản thân để đến với ngôi nhà chung của tôi và các bạn). Chú kể về bức ảnh “Tổ mẹ hiền nuôi dưỡng 4 cháu của ca sinh tư”, chuyện có thể sẽ không có gì nhiều nếu như được diễn ra trong ngày hôm nay – khi mà điều kiện của chúng ta cũng đã tốt hơn, nhiều chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước cho những trường hợp thai sản đặc biệt. Nhưng trong câu chuyện này, là những năm 1975 – khi đất nước mới giải phóng, điều kiện còn vô cùng khó khăn, sự xuất hiện của ca sinh tư tại Bệnh viện như một hiện tượng trong y học cũng giống như niềm vui vỡ òa của đất nước. Bốn cái tên Lâm – Thao – Vĩnh – Phú cũng được đặc biệt đặt cho 4 đứa trẻ ngày ấy từ một cán bộ cao cấp của Tỉnh thể hiện niềm hân hoan, may mắn đến với ngôi nhà của chúng ta nói riêng cũng như tỉnh Vĩnh Phú ngày đó nói chung. Tình thương yêu, những dòng sữa ngọt ngào từ Tổ Mẹ hiền nuôi dưỡng 4 mầm non ấy đã cho chúng ta một câu chuyện để kể ngày hôm nay. Dù chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu 4 đứa trẻ ấy giờ này ra sao, nhưng biết đâu may mắn các anh đọc được câu chuyện này của chúng tôi và thêm một lần nhớ lại chiếc nôi nơi các anh ra đời và nhớ lại những vòng tay ấm đã ấp ủ các anh những ngày đầu tiên ấy. Để tôi và các bạn lại được chứng kiến những quả ngọt đến từ bàn tay của những thiên thần áo trắng mang tên Mẹ hiền.
Bức ảnh: Tổ Mẹ hiền nuôi dưỡng 4 cháu của ca sinh tư
Khi viết lên đôi dòng tản mạn này, trong tôi thực sự len lỏi niềm tin về những điều kỳ diệu, về những trái ngọt để chúng ta có thể được nếm nay mai dù trước mắt có biết bao thử thách để người cán bộ y tế của chúng ta phải bền gan, phải vững trí để bảo vệ cốt cách của những màu áo trắng và nhẹ nhõm là những thiên thần mang đến sự sống và niềm tin cho người bệnh.
Câu chuyện thứ ba: Rằng trái đất tròn, nếu có hàm ơn ai ở một chặng đường nào đó trong cuộc sống, biết đâu thời gian trôi qua, rồi có lúc chúng ta được gặp lại để nói một lời tri ân không bao giờ là muộn.
Tôi đọc được bài của Anh vào ngày 27/2 – tri ân một người thầy thuốc đã cứu đôi chân của mình, thật mộc mạc, thật thanh liêm, mà cũng có cả cái thiếu thốn và khốn khó của những năm xa xưa ấy. Anh kể câu chuyện dài xúc động lắm – người bạn của tôi chỉ gặp trong lớp CMO, giờ là Giám đốc của một công ty du lịch ngày tiếp xúc với biết bao kiểu người. Vậy mà Anh nhớ như in câu chuyện ngót 30 năm trước, nhớ cái cách chữa giản dị, cách nói giản dị của người bác sỹ năm ấy. Chỉ có điều giờ này Anh cũng chưa thể tìm lại được ông để nói một lời “Cảm ơn”với người bác sỹ khi ấy. Nên Anh đã viết, đã tri ân vào cái ngày mà tôi hay các bạn cũng đều lặng đi trong niềm tự hào cũng như có phần gánh nặng – Ngày tôn vinh những người Thầy thuốc Việt Nam.
Câu chuyện sẽ dừng lại ở việcthầm cảm ơn Anh vì đã nhớ đến người thầy thuốc già năm ấy (mà ở trong đó có hình ảnh của chúng ta) nếu như tôi chỉ đọc được câu chuyện của Anh.Nhưng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm còn có phần dự thi những tác phẩm ghi lại cảm xúc khi học tập và làm việc, chúng tôi nhận được một bài dự thi gồm một bức ảnh và đôi ba dòng cảm xúc mộc mạc về “Ca phẫu thuật đầu tiên của thầy thuốc trẻ”.
Bức ảnh: Ca phẫu thuật đầu tiên của thầy thuốc trẻ
Thật bất ngờ, người cầm tay chỉ việc, dìu dắt học trò khi ấy lại là người bác sỹ – nhân vật chính trong câu chuyện ngày 27.2 của Anh và cậu học trò với những đường dao còn chưa sắc ngọt của những ngày đầu ấy nay đã là người thầy ngoại khoa vô cùng đáng kính của nhiều thế hệ bác sỹ trẻ. Duyên kỳ ngộ, của Anh, của Chú và cả của Chị – con gái của người bác sỹ già (trong bức ảnh), họ đã cùng kể về người mà cả đời họ sẽ không bao giờ quên. Một người đã được cứu cho cuộc đời lành lặn; Một người đã được dạy những bài học đầu tiên thành cả đời nghề và Một ơn sinh thành, dưỡng dục, mang đến miền ký ức thiêng liêng dù đã trở nên xa xôi.
Nghe câu chuyện đến đây, tôi bỗng muốn nghiêng mình trước những tình cảm vô cùng trân quý của miền ký ức ấy, trước chặng đường những người Ông, người Chú, người Chị của chúng ta đã đi qua. Và chắc hẳn sẽ còn nhiều lắm những câu chuyện khác mà chúng tôi chưa có cơ hội được biết đến. Nên nếu bạn có được nghe từ ai đó, những câu chuyện về các bức ảnh trong Triển lãm của chúng ta, hãy cùng ghi lại bạn nhé và chia sẻ với chúng tôi để chúng ta có cơ hội bước vào thế giới đã làm nên Bệnh viện ngày hôm nay, làm nên Một Chúng ta của ngày mai “Đoàn kết – Vững mạnh – Phát triển”.
Hải Yến