Hình ảnh vi khuẩn Hp trong dạ dày
-
Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) là gì?
Helicobacter pylori (Hp) là xoắn khuẩn gram âm, có ở khe tuyến hoặc lớp chất nhầy trên bề mặt biểu mô phủ dạ dày,ngoài ra Hp còn cư trú ở niêm mạc tá tràng, niêm mạc thực quản khi có dị sản dạ dày. Hiện nay tỉ lệ nhiễm HP ngày càng tăng, có sự khác nhau giữa các quốc gia, giữa các vùng miền trong một quốc gia. Ở Việt Nam tỉ lệ nhiễm Hp hơn 60%.
Hp là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh lý viêm loét dạ dày (khoảng 80% các trường hợp), viêm loét tá tràng (khoảng 90% các trường hợp), là tác nhân số một gây ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn Hp thường không có biểu hiện đặc trưng, do đó không thể chẩn đoán nhiễm HP bằng thăm khám thông thường. Để phát hiện chính xác vi khuẩn HP trong dạ dày hiện nay có rất nhiều phương pháp được sử dụng.
-
Các phương pháp phát hiện vi khuân Hp
Các phương pháp phát hiện Hp được chia thành 2 nhóm tùy theo phương pháp đó có cần qua nội soi dạ dày tá tràng hay không:
– Các phương pháp không xâm lấn: không cần qua nội soi dạ dày tá tràng, 3 phương pháp được sử dụng nhiều nhất là test hơi thở, test huyết thanh, xét nghiệm tìm kháng thể trong phân.
– Các phương pháp xâm lấn: qua nội soi dạ dày và lấy các mảnh sinh thiết để xét nghiệm.Các phương pháp được sử dụng như test urease, phương pháp mô bệnh học, phương pháp nuôi cấy.
Tùy theo điều kiện của cơ sở thăm khám và bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm Hp phù hợp nhất. Trong những phương pháp trên thì chẩn đoán phát hiện HP bằng mô bệnh học trên các mảnh sinh thiết nội soi là phương pháp được sử dụng nhiều nhất vì bên cạnh việc xác nhận sự hiện diện của HP còn chẩn đoán được tình trạng bệnh lý của dạ dày – tá tràng.
-
Các bước thực hiện xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Hp
Tại khoa Giải Phẫu bệnh, các mảnh sinh thiết dạ dày – tá tràng sau khi được cố định sẽ được chuyển, đúc, cắt và để phát hiện HP nhiều phương pháp nhuộm đã được sử dụng như nhuộm HE, Diff Quick, hóa mô miễn dịch, Giemsa…
Với ưu điểm đơn giản, dễ áp dụng, ít tốn kém, có độ nhạy và độ chính xác cao phương pháp nhuộm Giemsa được sử dụng ở hầu hết các phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh ở Việt Nam và trên thế giới.
– Các bước thực hiện xét nghiệm:
Quan sát tiêu bản nhuộm Giemsa trên kính hiển vi
Nhuộm giemsa HP bắt màu tím đỏ
HP là một vi khuẩn hình xoắn, hơi cong, kích thước dài khoảng 1,5-5µm, rộng khoảng 0,5-1µm. Ngoài ra chúng còn có dạng chữ S, dấu phẩy hay hình cung.
Hình ảnh nhuộm Giemsa HP bắt màu tím đỏ
– Nhuộm giemsa là phương pháp phát hiện HP có độ chính xác cao, tuy nhiên một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả như:
+ Số lượng vi khuẩn trên mảnh sinh thiết, vị trí sinh thiết.
+ Mảnh cắt quá dày, không có phần niêm mạc sẽ không phát hiện được HP
+ Dung dịch Giemsa hoặc nước rửa bị bẩn gây cặn trên tiêu bản gây khó đánh giá kết quả
+ Thời gian nhuộm lâu hoặc nồng độ giemsa cao làm mô bắt màu mạnh, chuyển màu xanh đen khó quan sát được HP
Helicobacter pylori là vi khuẩn cư trú tại khe tuyến và lớp nhầy trên biểu mô phủ dạ dày, là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng Hiện nay tỉ lệ nhiễm HP ngày càng tăng, có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán. Chẩn đoán bằng mô bệnh học là phương pháp được chỉ định nhiều để phát hiện vi khuẩn HP đồng thời xác định tình trạng bệnh lý của dạ dày tá tràng.
Bs. Bùi Thị Hương – Khoa Giải phẫu bệnh, tầng 10 nhà C, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.