Tin rằng ăn mật cá giúp sáng mắt, tốt cho mắt, cụ bà 79 tuổi đã mua cá, lấy mật và sử dụng. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ nuốt mật cá trôi, người bệnh đau bụng, buồn nôn và phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.
Người bệnh B.T.S (Thanh Ba, Phú Thọ) chưa có tiền sử bệnh, vừa tiến hành phẫu thuật mắt. Trong một lần đi khám mắt, bà S được những người cùng khám mách ăn mật cá tốt hơn dầu cá, giúp sáng mắt, bổ mắt. Bà đã mua 5 túi mật cá trôi và luộc lên trước khi sử dụng. Tuy thấy mật có vị rất đắng nhưng bệnh nhân vẫn cố ăn 3 túi mật vì tin rằng sẽ tốt cho sức khỏe.
Khoảng 3 – 4 giờ sau, người bệnh xuất hiện đau bụng, cơn đau tăng dần kèm buồn nôn, nôn nhiều, đi ngoài liên tục. Ngay lập tức, người bệnh được người nhà đưa đến cấp cứu tại trung tâm y tế gần nhất. Do tình trạng bệnh nặng lên người bệnh đã được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, người bệnh có phù toàn thân, xét nghiệm có tổn thương gan, thận nặng.
Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán “Ngộ độc mật cá trôi, có tổn thương gan, tổn thương thận cấp” và điều trị theo phác đồ chống độc phối hợp thuốc lợi tiểu, lọc máu, chạy thận nhân tạo.
Sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng suy gan, suy thận của người bệnh đã được cải thiện nhiều, hiện tại không còn phải lọc máu. Dự kiến người bệnh sẽ được ra viện trong những ngày tới.
người bệnh đã có thể đi tiểu tự chủ, tình trạng tổn thương gian, suy thận đã được cải thiện nhiều và sẽ được ra viện trong thời gian tới.
ThS. BS. Bùi Tất Luật – Khoa Hồi sức tích cực Chống độc cho biết: Quan niệm dân gian cho rằng các loại mật cá có nhiều công dụng như chữa bệnh mờ mắt, đau mắt đỏ, chữa các bệnh về tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe sau khi bị ốm, tăng cường khả năng sinh dục… Tuy nhiên đây hoàn toàn là những quan niệm chưa được kiểm chứng, chưa có bằng chứng xác thực, các bằng chứng khoa học đều không rõ ràng. Mật cá có thành phần chính là chất 5α-cyprinol. Đây là thành phần rất độc, có thể gây tổn thương gan, tổn thương thận, có thể gây tan máu, rối loạn tim mạch, trường hợp nặng có thể gây sốc và suy tuần hoàn. Vì vậy, người dân không nên sử dụng mật cá với những mục đích như trên.
Mật cá trôi và những lời truyền miệng
Hiện nay, ở một số vùng, người dân vẫn truyền tai nhau về những công dụng chữa bệnh (không có căn cứ) của mật cá vì nghĩ rằng mật cá có tác dụng nâng cao sức khoẻ, chữa được một số bệnh như hen phế quản, đau lưng, viêm đại tràng, tốt cho mắt… nên có người nuốt mật, có người thì pha cùng với nước, với rượu để uống… dẫn đến các ca ngộ độc mật cá vẫn xảy ra.
Độc tố có trong mật cá
Theo các bác sĩ, thực tế, các loại mật cá dòng cá chép như cá trắm, cá trôi, cá chép, cá hô, cá éc đều có thể gây ngộ độc. Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Cá trôi chỉ nặng 0,5kg nhưng khi uống mật cá cũng gây suy thận cấp. Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Độc tố trong mật cá được xác định là Cyprinol sulfat, một acid mật C27, 5α-cyprinol. Khi vào cơ thể người gây độc tới các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Mặc dù ngộ độc các loại cá khác nhau, nhưng bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhau, phù hợp với cùng một loại độc tố.
Độc tố chỉ có trong mật, gan và tụy của cá; không có trong thịt cá. Độc tố rất bền đối với nhiệt, vì vậy nạn nhân vẫn có thể bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín.
Để phòng ngừa ngộ độc khi ăn cá phải chọn cá tươi, không bị dập mật, vỡ bụng. Khi làm cá phải khéo léo bóc bỏ trọn bộ lòng, nhất là cá lớn. Nếu mật cá bị vỡ thì phải rửa cá nhiều lần cho thật sạch hoặc cắt bỏ phần đã bị dính mật màu xanh lá cây đậm trên bụng cá.
Những biểu hiện khi bị ngộ độc mật cá
Sau khi uống mật cá trắm 2 – 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều. Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù do suy thận cấp. Có những trường hợp rất nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong.
Phác đồ điều trị cơ bản là nhanh chóng thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể, điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải, kiềm toan. Trường hợp nặng có thể gây viêm hoại tử ống thận gây suy thận cấp, cần phải lọc máu ngoài thận cấp cứu.
Khuyến cáo “Tuyệt đối không dùng mật cá chữa bệnh”
Hiện chưa có những công bố khoa học nào về công dụng của mật cá. Trong các bài thuốc Đông y, chỉ có một số loại mật được dùng để làm thuốc chữa bệnh, nhưng thường được bào chế thành dạng viên. Công đoạn bào chế rất phức tạp, với liều lượng, nồng độ nhất định nên người dân chỉ được sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc với liều lượng và cách chế biến phù hợp từng bệnh nhân cụ thể.
Người dân không nên tự ý chữa bệnh tại nhà, đặc biệt không áp dụng các bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ khoa học vì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng mật cá để chữa bệnh khiến “tiền mất, tật mang”, nếu không được phát hiện xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.