Tấm gương người điều dưỡng tận tụy với nghề

Hai mươi lăm năm cống hiến trong nghề điều dưỡng, tám năm liên lục, đồng chí là một trong những tấm gương sáng trong các đảng viên của Bệnh viện, phần thưởng lớn nhất của chị Phương chính là sự tin yêu, sự quý trọng của đồng nghiệp và người bệnh, người nhà người bệnh dành cho chị.

“Con gái của mẹ con có biết mỗi đêm xa con mẹ cũng buồn biết mấy. Nhiều đêm trực mẹ thường lo lắng liệu không có mẹ ở bên con có ngủ ngon. Nhưng con ạ! Một mai lớn lên con sẽ hiểu không có nghề nào có sự thiêng liêng giống như nghề điều dưỡng; không niềm vui nào lại đẹp như niềm vui được người bệnh mình hằng ngày chăm sóc, nắm chặt tay cảm ơn khi phục hồi; không hạnh phúc nào giống như hạnh phúc giúp người khác vượt qua nỗi đau của cuộc đời. Liệu khi ấy con có chọn làm một điều dưỡng viên như mẹ”. Chị Phương vẫn còn nhớ như in cảm xúc những đêm trực phải xa con, khi con gái lớn mới vừa tròn 1 tuổi. Giờ cô gái trong tâm sự của chị đã 24 tuổi và đang viết tiếp lên câu chuyện về ước mơ cuộc đời mình – trở thành một điều dưỡng đầy khao khát cứu người giúp đời. Suốt nhiều năm sống trong nghề y không phải lúc nào niềm vui cũng trọn vẹn nhưng chị Lê Thị Khánh Phương – Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc vẫn luôn vững tin vào lựa chọn của mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống, năm 15 tuổi, bố chị bị chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, biến cố ấy đã đưa chị tới mơ ước trở thành một điều dưỡng để có thể tận tay chăm sóc những người thân yêu. Nhưng sau này, động lực giúp chị vượt qua những khó khăn vất vả trong nghề lại chính là tình yêu tha thiết với lựa chọn của mình – làm một người mang lại sự sống cho người bệnh. Tháng 6 năm 1992, sau khi kết thúc 12 năm học phổ thông, chị nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng y tế Phú Thọ. Sau 3 năm học hành vất vả, năm 1995 chị chính thức chạm tay tới ước mơ của mình trở thành một điều dưỡng viên tại Bệnh viện Cán bộ (năm 2006 bệnh viện đổi tên thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ). Những ngày đầu mới vào nghề chị làm việc tại Khoa Tai – Mũi – Họng. Đến năm 2004, chị được phân về khoa Hồi sức cấp cứu. Năm 2012 khoa Hồi sức cấp cứu tách thành hai khoa: Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và Khoa Cấp cứu, chị được phân về Khoa Hồi sức tích cực chống độc, là một trong những thành viên đầu tiên của Khoa. Với nhiều khó khăn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, chị cùng với đồng nghiệp đã luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt công việc được giao. Từ những ngày mới bước vào nghề phải đối diện với biết bao khó nhọc, lần đầu tiên tận mắt chứng kiến người bệnh mình từng chăm sóc nhắm mắt buông tay, cảm xúc khi ấy thật không thể nào diễn tả. Chị đã nghĩ nếu như mình làm tốt hơn người bệnh có ra đi, sau này trải qua nhiều cảm xúc đớn đau như vậy chị hiểu ra rằng chỉ có cố gắng không ngừng, chỉ có nỗ lực và học hỏi không ngừng thì nỗi buồn về sự hối tiếc sẽ dần vơi đi.

21052020 dieu duong 1

Bằng sự tận tâm của mình với người bệnh chị Phương luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

Ghi nhận sự cống hiến hết mình của chị trong công việc, năm 2010 chị được bổ nhiệm làm điều dưỡng trưởng tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Trọng trách Điều dưỡng trưởng là quán xuyến toàn bộ công tác tổ chức chăm sóc người bệnh tại khoa khiến chị vô cùng bận rộn. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo khoa, với trình độ và năng lực của mình cùng tình thương yêu đồng nghiệp, chị sắp xếp, phân công hợp lý anh chị em điều dưỡng làm tốt công việc chuyên môn, từ tiếp nhận quản lý y cụ, thuốc men, trang thiết bị, vật tư tiêu hao của khoa đến chăm sóc người bệnh. Năm 2012 chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng viên của Bệnh viện. Suốt hơn 20 năm trong nghề, chị đã để lại nhiều dấu ấn với nhiều năm nhận được bằng khen của Giám đốc Sở y tế, đặc biệt năm 2015 chị đồng thời được nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc bà bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ (1965-2015).

Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực chống độc là tiếp nhận người bệnh rất nặng thậm chí nhiều người đã cận kề với cái chết đòi hỏi người điều dưỡng không chỉ có chuyên môn tốt, tác phong  nhanh nhẹn mà phải có kỹ năng giao tiếp tốt, linh động, khéo léo trong cách ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh. Phần lớn người bệnh trong khoa phải chịu những nỗi đau rất lớn về thể chất và tinh thần nhiều người bệnh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ để lại cho các anh chị em trong khoa sự xót xa vô cùng. Áp lực công việc cộng với tâm lý khiến cho tập thể anh chị em trong khoa luôn căng thẳng và phải luôn cố gắng không ngừng để người bệnh giảm bớt đau đớn và nhanh chóng phục hồi cũng như luôn động viên, khích lệ người bệnh, người nhà người bệnh tích cực điều trị cố gắng hết mức có thể. Chỉ có những người từng có người thân điều trị ở đây mới biết các bác sỹ, điều dưỡng vất vả thế nào, hiếm khi thấy các anh/chị có những bước đi thảnh thơi, nhiều đêm trực phải thức trắng đêm để điều trị cho người bệnh, những bữa cơm thường xuyên phải bỏ dở để cấp cứu người bệnh đã thành điều thường lệ hàng ngày. Chỉ vậy thôi cũng đã khái quát những khó khăn, áp lực mà chị và đồng nghiệp gặp phải.

Thế nhưng đối với người luôn sống trọn với lý tưởng của Đảng như chị Phương, mọi sự vất vả, khó khăn trong công việc chỉ khiến cho những phẩm chất tốt đẹp của chị được lan tỏa. Bình thường chị Phương luôn vui vẻ, chan hòa với mọi người, không chỉ đồng nghiệp mà rất nhiều người bệnh quý mến chị. Bằng sự tận tâm hết mình vì công việc, chị đã truyền ngọn lửa yêu nghề tới toàn thể các anh chị em trong khoa. Có thể nói sự thành công và phát triển không ngừng của khoa Hồi sức tích cực chống độc trong thời gian qua là thành quả của cả một tập thể luôn đổi mới, nỗ lực hết mình vì công việc, đoàn kết một lòng, mà trong đấy có những đóng góp không nhỏ của chị. Thành công ấy không chỉ được ghi nhận bởi ban lãnh đạo bệnh viện mà hơn thế là những cái nắm tay, những nụ cười, giọt nước mắt cảm ơn của người bệnh đã điều trị thành công.

21052020 dieu duong 2

Chị Phương cùng các đồng nghiệp luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày

 Khi nhắc về chị Phương, BS.CKI Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc đã có những chia sẻ rất chân tình: “Chị Phương là người thông minh, nhanh nhẹn, luôn chịu khó học hỏi; điều phối, phân công công việc trong khoa luôn ngăn nắp, hợp lý. Đối với khoa Hồi sức tích cực chống độc, thì đóng góp của điều dưỡng viên chiếm 70% sự phục hồi của người bệnh. Nhiều năm qua, chị Phương đã cống hiến rất nhiều vào sự phát triển của khoa như dìu dắt các điều dưỡng viên mới vào nghề, quản lý tổ chức nhiều hoạt động trong khoa và đặc biệt là trong công tác chăm sóc người bệnh. Khi làm việc tại khoa, nơi mà hầu hết người bệnh đều có diễn biến nặng, chị Phương luôn thể hiện là một người sống có trách nhiệm sẵn sàng tìm mọi phương án để giúp người bệnh giảm bớt sự đau đớn về thể xác và hỗ trợ họ về tinh thần giúp họ có thêm niềm tin vượt qua bệnh tật. Với anh chị em đồng nghiệp, chị luôn quan tâm chu đáo, chia sẻ kịp thời tất cả những vui buồn với các anh chị em trong khoa, giữ mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp trong bệnh viện.”

Khi đặt bút viết về chị, trong lòng tôi chợt nhớ tới một câu nói rất hay về “nghề thiêng liêng” này: “Nếu sự quan tâm dành cho một người được gọi là yêu thương… Thì sự quan tâm dành cho cả trăm người chính là tấm lòng của Người điều dưỡng. ” Nghề điều dưỡng là một nghề luôn phải học hỏi, không ngừng nỗ lực để ngày càng phát triển kỹ năng, mỗi cán bộ điều dưỡng viên luôn phải phấn đấu, trở thành những người cộng sự đắc lực của bác sĩ và góp phần chăm sóc tích cực cho các bệnh nhân với tiêu chí luôn mang trong mình “Tất cả vì người bệnh!” –  “Mỗi điều dưỡng mỗi thiên thần. Ngày ngày tận tụy vì sức khỏe và hạnh phúc nhân dân”. Suốt 25 năm cống hiến trong nghề, có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà chị Phương giành được đó chính là tình cảm, sự yêu mến và quý trọng của đồng nghiệp, của người bệnh dành cho chị. Xin được cảm ơn chị vì những đóp góp của chị cho cộng đồng. Hy vọng chị mãi và sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho thế hệ điều dưỡng viên sau này cùng viết tiếp lên những khoảnh khắc đẹp của nghề điều dưỡng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thu Hằng

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện