Tập huấn “Phòng chống bệnh Đái tháo đường”

Nhằm hưởng ứng “Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 – 2025”, sáng ngày 09/8/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức lớp tập huấn “Phòng chống bệnh Đái tháo đường”.

Tham gia giảng dạy trong buổi tập huấn có Ths.Bs. Dương Thị Kim Ngân – Khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

09082018 dtd 01

Ths.Bs.Dương Thị Kim Ngân phát biểu tại chương trình

Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường huyết mãn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, mỡ, protein do giảm tuyệt đối hoặc tương đối tác dụng của insulin và/ hoặc tiết insulin. Đây là bệnh không lây nhiễm có tỉ lệ gia tăng nhanh trên thế giới.

09082018 dtd 02

Ths.Bs.Dương Thị Kim Ngân chia sẻ tại chương trình

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2017 có 415 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh ĐTĐ, trong đó ở Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Dự đoán đến năm 2040 Việt Nam sẽ có khoảng 6,1 triệu người mắc phải căn bệnh này. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có khoảng gần 4000 người bệnh đang điều trị ĐTĐ tại đây.

09082018 dtd 03

Ths.Bs. Dương Thị Kim Ngân khuyến cáo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh ĐTĐ

Trong buổi tập huấn, bác sĩ Ngân đã cập nhật những kiến thức về bệnh ĐTĐ như: dịch tễ; chẩn đoán; biến chứng ĐTĐ. Bên cạnh đó, bác sĩ Ngân cũng chia sẻ thêm về những phương pháp phòng chống bệnh đái tháo đường như:

– Để phòng chống bệnh ĐTĐ, trước hết người bệnh nên có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý.
.  Ăn nhiều rau, không tinh bột, lựa chọn các loại trái cây có chỉ số GI thấp: táo, bưởi, ổi, thanh long…
. Ăn các loại ngũ côc tự nhiên ít chế biến sẵn.
. Hạn chế đồ ngọt, các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao như: nước đường, nước mía, nước ngọt có ga…
.  Dùng 3 bữa chính đều đặn, có thể ăn bữa phụ tùy theo đường huyết sau ăn.
– Ngoài chế độ ăn hợp lý, người bệnh nên tập thể dục 30phút – 45phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Có thể lựa chọn nhiều hình thức tập luyện tùy theo sức khỏe cũng như các bệnh lý đi kèm.
– Việc khám bệnh định kỳ và tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng giúp kiểm soát tốt đường huyết, HA, mỡ máu…sẽ góp phần nâng cao điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ĐTĐ.
Buổi tập huấn “Phòng chống bệnh Đái tháo đường” nằm trong chuỗi hoạt động do Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức nhằm trang bị kiến thức về phòng chống các bệnh không lây nhiễm như: các bệnh lý ung thư, tim mạch, đái tháo đường cho các cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng trong Bệnh viện và các bác sỹ đến từ các Bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh PhúThọ. Từ đó cùng chung tay hành động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng lối sống khoa học, lành mạnh.
Thanh Nga

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện